Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, từ ngày 10.7 đến 17h ngày 30.7 là thời gian thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh, thí sinh không có “chiến thuật” tốt trong thời điểm này có thể bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào các ngôi trường yêu thích, thậm chí không thể trúng tuyển đại học vì những sai lầm không đáng có.
Cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đưa ra một số lưu ý tới thí sinh trong vấn đề đăng ký xét tuyển.
Theo đó, PGS Thuỷ lưu ý thí sinh, nếu đã tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện ở một số trường đại học, các em vẫn cần đăng ký nguyện vọng một cách chính thức trên Hệ thống của Bộ GD-ĐT. Nếu không đăng ký, các em sẽ lỡ cơ hội vì chưa được công nhận trúng tuyển chính thức.
Khi đăng ký lên Hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo mong muốn cũng như thực lực của các em. Có nghĩa thí sinh có thể trúng tuyển sớm tới 10 trường, nhưng các em chỉ có thể vào học ở 1 ngành, 1 trường duy nhất. 9 vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác.
Đây cũng là cách Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau.
“Đó là những ưu thế của Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, đồng thời cũng tạo cơ hội cao nhất cho thí sinh khi các em đăng ký một cách chính xác, đầy đủ toàn bộ quy trình trên Hệ thống”, PGS Thuỷ nói.
PGS Thuỷ cũng cho biết, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cho phép thí sinh được đăng ký, đăng ký bổ sung, điều chỉnh thứ tự nguyện vọng không giới hạn số lần. Tới thời gian cuối cùng là trước 17h ngày 30.7, thí sinh vẫn có thể điều chỉnh được nguyện vọng.
Tuy nhiên, khi các em điều chỉnh xong cần xác nhận kết thúc quy trình bằng cách sử dụng nút “Hoàn thành” (submit) để hệ thống ghi nhận những điều chỉnh, thay đổi vừa được thao tác. Nếu không, thí sinh sẽ mất đi cơ hội nếu có sự thay đổi quyết định.
Nhấn mạnh lại vấn đề thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần, PGS Thuỷ đưa ra lời khuyên, thí sinh không nên chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất.
“Điều này đã từng xảy ra rủi ro ở những năm trước khi có những em rất tự tin có thể trúng tuyển, thậm chí đã trúng tuyển có điều kiện rồi, nhưng lại không nghiên cứu kỹ các điều kiện sơ tuyển nên khi hậu kiểm, đã dẫn tới những sơ suất không đáng có.
Do đó, để phòng chống rủi ro, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, đừng dồn tất cả nguyện vọng vào các trường top cao. Đây là có thể xem là “chiến thuật” để tăng độ hiệu quả và tỷ lệ trúng tuyển đại học cho các em”, PGS Thuỷ cho hay.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT chia sẻ thêm, tuy thí sinh không phải lựa chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển nhưng cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học, của ngành học các em mong muốn trúng tuyển. “Các trường phải có xét tuyển bằng tổ hợp, phương thức mà thí sinh có dữ liệu kết quả thì chúng ta mới đăng ký vào. Nếu em mong muốn vào trường, nhưng đơn vị đó không xét tuyển trên dữ liệu em đang có thì cũng là lựa chọn sai lầm”, PGS Thuỷ nói.
Không nên đặt quá ít, cũng không nên đặt quá nhiều nguyện vọng
Qua công tác tuyển sinh các năm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chỉ ra một số sai lầm thí sinh thường mắc phải khi đăng ký, điều chỉnh, sắp xếp nguyện vọng xét tuyển. Lỗi thứ nhất là về mặt kỹ thuật, các em quên không kết thúc quy trình điều chỉnh, dẫn tới hệ thống không ghi nhận.
Thứ hai, đôi khi thí sinh nghe trên truyền thông và bị nhầm lẫn rằng khi đã trúng tuyển vào một nguyện vọng xét tuyển sớm của một trường nào đó, các em bắt buộc phải đặt nguyện vọng 1. “Tôi xin đính chính lại: không có trường nào được yêu cầu các em phải đặt nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thành nguyện vọng 1. Nguyện vọng nào các em thực sự yêu thích, mong muốn được trúng tuyển nhất dù là bằng phương thức nào, hãy đặt lên đầu tiên”, PGS Thuỷ nhấn mạnh.
Bà lưu ý, việc xét tuyển sớm giúp tăng cơ hội cho thí sinh, để các em yên tâm là mình đã trúng tuyển vào trường, ngành đó. Tuy nhiên, các em vẫn còn một cơ hội nữa để có thể trúng tuyển vào ngành mình yêu thích hơn, đó mới là những nguyện vọng cao hơn (nguyện vọng 1, nguyện vọng 2).
Trường hợp thực sự yêu thích ngành đã trúng tuyển có điều kiện, khi đó thí sinh có thể đặt kết quả này lên nguyện vọng 1, chắc chắn các em sẽ đỗ vào nguyện vọng này. PGS Thuỷ cho hay, các trường luôn truyền thông, khuyến cáo rằng nếu thí sinh muốn chắc chắn đỗ thì đặt nguyện vọng 1. Đây chỉ là lời khuyến khích các em, không mang tính chất bắt buộc.
Cũng theo PGS Thuỷ, một số thí sinh đặt quá ít nguyện vọng hay dồn nguyện vọng vào một nhóm trường top cao. Cách làm này dẫn tới rủi ro rất lớn, có thể khiến các em không thể trúng tuyển đại học nếu trượt những nguyện vọng này.
Một số thí khác lại vì lo lắng mà đặt quá nhiều nguyện vọng. PGS Thuỷ nhận định, đây cũng là cách làm không hiệu quả, không thực sự cần thiết.
“Các em không cần đặt đến hàng trăm nguyện vọng để có thể trúng tuyển. Thay vào đó nên chia nguyện vọng ra các trường ở mỗi vị trí khác nhau. Hiểu được sức học của mình, nắm rõ đề án tuyển sinh của các trường, thí sinh không cần đặt quá nhiều nguyện vọng dẫn tới tốn kém, lãng phí”, PGS Thuỷ khẳng định.
Vì sao thí sinh không cần lựa chọn tổ hợp hay phương thức xét tuyển trên Hệ thống?
Trên các diễn đàn, một số thí sinh bày tỏ lo lắng về vấn đề vì sao không có phần chọn tổ hợp môn hay phương thức xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Trả lời thắc mắc trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết năm nay, thí sinh không cần lựa chọn phương thức hay tổ hợp, có nghĩa là các em chỉ cần cung cấp dữ liệu kết quả thông tin mình đang có và các em mong muốn đỗ vào trường đó, ngành đó.
Theo PGS Thuỷ, thuật toán trong Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT cũng như hệ thống của các trường khi chạy lọc ảo, tiến hành sắp xếp nguyện vọng của thí sinh sẽ tự động ưu tiên cho tổ hợp, phương thức tối ưu, ở nguyện vọng cao nhất. Chỉ khi nào các em không thể đỗ vào nguyện vọng cao nhất mới bắt đầu xét đến nguyện vọng thứ hai.
Ở nguyện vọng thứ hai này, trên toàn hệ thống cũng lại xét một lần nữa, nếu điểm của thí sinh ở phương thức nào đó cao hơn những bạn khác cùng phương thức thì thí sinh này vẫn trúng tuyển trước những bạn sắp xếp nguyện vọng đó là thứ tự cao hơn.
“Nói như vậy để cho thấy lợi thế của thí sinh khi tham gia vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bô GD-ĐT, các em không bị thiệt thòi dù có xét tuyển ở những nguyện vọng đặt vị trí thấp hơn”, PGS Thuỷ nhấn mạnh.
Bà cho hay, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung không xét tổ hợp nào điểm cao nhất của thí sinh trong tất cả các tổ hợp, mà là xét điểm nào, tổ hợp nào tối ưu nhất cho các em có thể trúng tuyển.
“Bởi có những tổ hợp điểm của em rất cao, nhưng những bạn khác đăng ký vào ngành đó, theo tổ hợp đó còn có điểm cao hơn thì chưa chắc em đã đỗ. Nhưng ở một tổ hợp khác điểm của em có thể không cao bằng tổ hợp kia, em lại có thể đỗ.
Như vậy ở đây là thuật toán ưu tiên tối ưu, thay vì xét tổ hợp điểm cao nhất. Các em lưu ý để rất yên tâm trong việc lựa chọn xét tuyển, sắp xếp nguyện vọng mình mong muốn nhất, đam mê nhất và thực sự muốn cống hiến cho lĩnh vực đó”, PGS Thuỷ lý giải.