Theo đó, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2023 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi như sau:
Ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt có điểm sàn cao nhất, ở mức 22,5 điểm. Năm trước, hai ngành này lấy điểm sàn là 22 điểm.
Ngành Y học cổ truyền và Dược học có điểm sàn 21.
Các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng có điểm sàn là 19.
Ngoại trừ ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt có điểm sàn tăng nhẹ, các ngành còn lại đều giữ nguyên mức điểm sàn so với năm 2022.
Bộ GD-ĐT hướng dẫn, các đại học, học viện, trường đại học đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học tổ chức xét tuyển thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành và các văn bản hướng dẫn khác liên quan.
Từ ngày 10.7 đến 17h ngày 30.7 là thời gian thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Từ ngày 12.8 đến 17h ngày 20.8, các cơ sở đào tạo tải dữ liệu, thông tin xét tuyển; điểm thi tốt nghiệp THPT; kết quả học tập cấp THPT trên Hệ thống; điểm các kỳ thi (nếu có) và tổ chức xét tuyển. Bộ GD-ĐT xử lý nguyện vọng trên Hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
Từ 17h ngày 22.8, các trường đại học sẽ thông báo điểm chuẩn, danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1.