Bí quyết chinh phục bài thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Chỉ còn 2 tháng nữa, các sĩ tử sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Môn tiếng Anh là một trong các thử thách thí sinh cần vượt qua. 

Để ôn luyện môn tiếng Anh hiệu quả

Giảng viên chính Bộ môn Ngoại ngữ, Trường THPT Chuyên, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cô Hồ Huyền cho biết, căn cứ vào đề thi minh hoạ năm nay, có thể thấy cấu trúc của đề thi vẫn giữ nguyên, ổn định đúng theo thông báo của Bộ GD-ĐT trong 5 năm qua.

Phần lớn các câu hỏi trong đề thi tập trung ở mức độ nhận biết và thông hiểu (65%), nhằm kiểm tra kết quả học tập của học sinh về hai phương diện: kiến thức (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng) và kĩ năng (đọc hiểu, nói và viết gián tiếp) ngôn ngữ. Điều này giúp cho hầu hết học sinh có thể dễ dàng đạt được điểm số trong khoảng trung bình từ 5.0 đến 7.0.

Tuy nhiên, để có thể đạt điểm cao, từ 9.0 trở lên, học sinh cần phải có vốn kiến thức ngôn ngữ rất tốt và có khả năng thực hành thành thạo các kỹ năng đã nêu trên để hoàn thành tốt bài thi.

Đối với phần kiến thức ngôn ngữ, phần ngữ âm vốn được coi là các câu hỏi thuộc mức độ nhận biết do học sinh chỉ cần học thuộc, ghi nhớ các quy luật về trọng âm từ, hoặc phân biệt các cặp nguyên âm ngắn và dài, phụ âm hữu thanh và vô thanh dễ nhầm lẫn.

Tuy nhiên, các nguyên tắc ngữ âm trong tiếng Anh lại có khá nhiều trường hợp đặc biệt không theo quy tắc vẫn có khả năng xuất hiện trong bài thi, đòi hỏi học sinh không được chủ quan, mà phải lưu ý các trường hợp đặc biệt đó xuất hiện trong chương trình học môn tiếng Anh cấp THPT, đặc biệt lớp 12.

Đối với các câu hỏi từ vựng, chiếm tỉ trọng rất lớn trong bài thi từ hình thức kiểm tra từ ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng đòi hỏi thí sinh phải thực sự có kiến thức, kĩ năng xử lý từ vựng thông qua quá trình vận dụng cả kiến thức nền và kiến thức ngôn ngữ phân tích chính xác ngữ cảnh, xác định được đơn vị từ vựng được kiểm tra trong từng trường hợp, từ đó xác định chính xác đáp án, thật tỉnh táo để không rơi vào bẫy của những đáp án nhiễu với tính khu biệt thấp.

Về phần ngữ pháp, theo cô Hồ Huyền, phần trọng tâm mà các thí sinh cần lưu ý là khả năng kết hợp thời, câu điều kiện, câu gián tiếp, mệnh đề quan hệ, các mệnh đề trạng ngữ mà đặc biệt là dạng rút gọn thành các ngữ phân từ luôn là các câu hỏi có tính thử thách cao đối với thí sinh do những câu hỏi này đòi hỏi tư duy vận dụng, yêu cầu thí sinh có thể phải phân tích tình huống ở ít nhất hai bước lập luận.

Đối với phần kiểm tra kĩ năng nói gián tiếp (hai đơn vị câu hỏi) đòi hỏi các  thí sinh nắm vững các khúc mẫu cơ bản được sử dụng như các mẫu cố định trong các hình thức giao tiếp thông thường mà không cần lưu ý tới các yếu tố phi ngôn do các yếu tố này không thể kiểm tra được do tính chất của bài thi trên giấy, tình huống đưa ra hẹp và có tính đặc trưng như hỏi thăm, xin lỗi, cám ơn, đồng thuận hay phản đối,....

Với kĩ năng viết gián tiếp (năm đơn vị câu hỏi ở hai dạng tác vụ), do vẫn kiểm tra kiến thức ngôn ngữ ở dạng thức các câu đơn lẻ nên yêu cầu các thí sinh nắm vững kiến thức ngữ pháp về cấu trúc câu gián tiếp, so sánh, bị động, điều kiện, đặc biệt là những câu có dạng thức đảo ngữ rất dễ xuất hiện trong bài thi. Các thí sinh cũng cần đặc biệt lưu ý các cặp/nhóm đơn vị liên kết mệnh đề dễ nhầm lẫn khi làm dạng bài tập kiểm tra khả năng liên kết câu.

Về phần kĩ năng đọc hiểu (chiếm tới khoảng 30% số các câu hỏi của bài thi), các thí sinh lưu ý thực hành thành thạo từng kĩ năng xử lý văn bản như đọc nhanh và đọc kĩ với từng nhóm câu hỏi khi xử lý các câu hỏi đơn lẻ.

Đối với các câu hỏi về từ vựng thí sinh vẫn phải tuân theo các kĩ năng xử lý từ vựng trong ngữ cảnh như hồi chỉ và khứ chỉ, cận nghĩa và trái nghĩa. Với các câu hỏi ở cấp độ tư duy cao như vận dụng và vận dụng cao đòi hỏi khả năng phân tích nội dung của văn bản một cách sâu sắc, lưu ý các tầng ý nghĩa của văn bản chứ không đơn thuần là nghĩa bề mặt của ngôn từ.

Để đạt được kết quả tốt trong kì thi, các thí sinh có thể tham khảo các chiến lược ôn tập. Cô Hồ Huyền gợi ý các thí sinh nên làm 2-3 đề thi thử mỗi tuần có định dạng giống đề minh họa để làm quen với cấu trúc và các dạng câu hỏi thường gặp, nhận diện điểm yếu để khắc phục (bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho các câu hỏi mình thường mắc lỗi hoặc có tỉ lệ mắc lỗi trên 50% số lần làm bài thi thử.)

Ôn tập theo chuyên đề bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu... và luyện tập các câu hỏi ở các mức độ khó khác nhau, không chỉ tập trung vào các câu khó.

Đánh giá tiến độ sau 2-3 tuần bằng cách làm lại các đề thi thử và ghi nhận sự tiến bộ, điều chỉnh phương pháp ôn tập nếu cần.

Lập kế hoạch ôn tập và nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo sức khỏe và hiệu quả ôn tập.

Bằng cách áp dụng những phương pháp này, thí sinh sẽ tự tin hơn trong việc tiếp cận và hoàn thành bài thi với kết quả tốt nhất.

Các vấn đề thiết yếu cần rèn luyện để chinh phục bài thi môn tiếng Anh

Kiến thức từ vựng và ngữ pháp: Các bạn học sinh cần mở rộng vốn từ vựng (theo nhóm và theo cụm) và hiểu sâu các quy tắc ngữ pháp (biến đổi các công thức ngữ pháp) để có thể áp dụng linh hoạt, đặc biệt là trong các bài tập biến đổi câu hay điền từ.

Kỹ năng đọc hiểu: Các bạn học sinh cần phải luyện tập kĩ năng đọc nhanh, hiểu ý chính và các ý phụ trong đoạn văn để có thể trả lời chính xác các câu hỏi liên quan. Đồng thời rèn luyện khả năng phân tích cấu trúc thông tin của văn bản để hiểu chính xác và sâu sắc ngữ cảnh khi xử lý các câu hỏi về từ vựng, quy chiếu, và suy luận.

Khả năng phân loại câu hỏi: Việc nhận biết và phân loại câu hỏi giúp các bạn học sinh xác định nhanh chóng mức độ khó dễ của từng câu, từ đó quyết định thời gian và cách tiếp cận phù hợp. Điều này rất quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu quả làm bài và nâng cao tỉ lệ thành công.

Kỹ năng quản lý thời gian: Một trong những thách thức lớn trong bài thi là thời gian. Các bạn học sinh cần phát triển kỹ năng phân bổ thời gian hợp lý, đảm bảo dành đủ thời gian cho các câu hỏi khó, trong khi không quá tốn thời gian vào các câu dễ. (Một bí quyết để tăng tốc độ và phản xạ làm bài là hãy làm các bài thi thử với 2/3 thời gian của bài thi thật.)

Với việc trang bị và thực hành thường xuyên những kỹ năng trên, các bạn học sinh không chỉ có thể ứng phó tốt với bài thi mà còn phát triển được những kỹ năng cần thiết cho việc học tập và làm việc trong tương lai.

Những vùng "bẫy" làm học sinh mất điểm

Cô giáo Hồ Huyền cảnh giác thí sinh, trong quá trình làm bài thi, thí sinh thường gặp phải một số lỗi cơ bản dẫn đến mất điểm, đặc biệt là ở những phần dễ. 

Ngữ âm: như đã nêu trên, thí sinh cần lưu ý các trường hợp đặc biệt.

Từ vựng: Lưu ý việc bị chi phối bởi một vài nét nghĩa cụ thể của từ dẫn đến không xác định được sự biến đổi hoặc chuyển nghĩa của từ trong ngữ cảnh.

Ngữ pháp: Ngữ phân từ khi rút gọn các mệnh đề trạng ngữ (có hay không các liên từ chức năng đi kèm).

Đọc hiểu: Lưu ý các câu hỏi suy luận không thể trả lời chính xác nhờ vào việc đọc lướt. Các thí sinh cần cẩn trọng với các từ đa nghĩa hoặc nhiều lớp nghĩa.

Sau cùng, cô Huyền đặc biệt nhắc nhở các sĩ tử cần giữ một tâm lý bình tĩnh và thoải mái trước kỳ thi. Để làm được điều này, các em nên tập trung khi ôn tập nhưng cũng cần thư giãn khi nghỉ ngơi. Việc cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Ngoài ra thí sinh nên đảm bảo ngủ đủ. Điều này sẽ giúp các em duy trì tâm trí minh mẫn, sẵn sàng đối mặt với thử thách trong bài thi, hay đơn giản là không bị mất buổi thi vì ngủ quên trong phòng thi.

Chuẩn bị tâm lý vững vàng, nhất là khi môn Tiếng Anh là môn thi cuối cùng. Các em cần phải tránh để cho kết quả của các môn trước ảnh hưởng đến tâm lý khi thi môn này.

Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô
Giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô

Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ chuỗi dự án vì cộng đồng “Một Triệu Bữa Cơm Có Thịt”, tại trường Tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, Lạng Sơn, CHIN-SU đã phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo Vùng cao và các nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp mang đến “chảo cơm có thịt khổng lồ”. Đây là một hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tiếp sức học trò và tiếp lửa thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.