Tham dự lễ trao giải có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), ông Raymond Gordon.
Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Qua 6 năm tổ chức, Giải đã khẳng định được vị trí, uy tín trong các giải thưởng báo chí trên toàn quốc. Số lượng tác phẩm tham gia ngày càng nhiều và chất lượng luôn được nâng cao, có sức lan tỏa.
Năm nay, Ban tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm dự thi của 4 loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình). Giải cũng nhận được sự tham gia của đông đảo cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương ở khắp các vùng miền trên cả nước.
Theo Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.
Ở lần tổ chức các năm trước, tác phẩm tham dự giải đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc. Ở mùa Giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.
Tại Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023, Báo Đại biểu Nhân dân có một tác phẩm đoạt giải Ba.
Đó là loạt bài 4 kỳ “Vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp” của nhóm tác giả Vũ Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyễn Thị Sáu, Thiều Thị Anh Thơ, Nguyễn Thị Liên, Cao Quốc Việt, Lê Xuân Quý.
Đăng tải trên Báo Đại biểu Nhân dân vào tháng 8.2023, loạt bài “Vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp” đã nhận được nhiều quan tâm từ độc giả.
Theo nhóm tác giả, năm học 2023-2024 là năm thứ 3 triển khai dạy các môn tích hợp ở cấp THCS. Sau 2 năm triển khai, một số giáo viên, nhà trường hào hứng và đã triển khai thực hiện tốt việc dạy tích hợp. Tuy nhiên, nhiều thầy, cô, cơ sở giáo dục vẫn gặp không ít khó khăn hoặc chưa thể thực sự triển khai.
Vấn đề dạy học tích hợp thực tế vẫn đang có 2 luồng ý kiến tranh luận. Những tranh luận này diễn ra trên mạng xã hội và ngay trong chính đội ngũ giáo viên, nhà quản lý. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không quay lại dùng Chương trình giáo dục phổ thông những năm 1990, 2002 hay 2006? Tại sao không tách về các môn đơn lẻ như chúng ta vẫn áp dụng bao năm nay?
Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục khẳng định, đưa tích hợp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chủ trương đúng đắn và sẽ rất đáng tiếc nếu môn tích hợp bị tách về các môn đơn lẻ. Trên thực tế, việc chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cũng như các quan điểm về dạy học phát triển năng lực, dạy học tích hợp của Bộ GD-ĐT không nóng vội. Tất cả mọi thứ đều đã chủ động từng bước, từ rất nhiều năm về trước.
Loạt bài “Vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp được thực hiện nhằm trả lời cho câu hỏi tại sao rất nhiều địa phương, trường học, giáo viên gặp khó, thậm chí áp lực khi triển khai dạy học tích hợp? Đặc biệt, tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, những điểm nghẽn, điểm vướng mà các giáo viên, nhà trường đang gặp phải để việc dạy và học tích hợp trong thời gian tới hiệu quả hơn.
Giải Đặc biệt của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023 được trao cho tác phẩm "Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới" của nhóm tác giả Phạm Thị Mai, Võ Hoàng Long từ Báo điện tử VietnamPlus.
4 giải Nhất được trao cho các tác phẩm “Phía sau những tấm huy chương Olympic quốc tế” của Báo Công an nhân dân; "Bất cập ở Phòng Giáo dục và Đào tạo" của Báo Giáo dục và Thời đại; “Giáo viên bỏ việc: Vì đâu nên nỗi?” của Ban Văn hóa - Xã hội - Đài Tiếng nói Việt Nam; "Hoa đá" của Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam.
2 giải thưởng Nhân vật ấn tượng được trao cho cô giáo Bùi Thị Thu Hồng - nhân vật trong tác phẩm "Người truyền “lửa” Then của Báo Tuyên Quang và thầy giáo Hoa Sĩ Hiền - nhân vật trong tác phẩm “Thầy giáo nông dân” của Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang.
Phát biểu tại Lễ trao giải Giải, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, Giải đã đi được chặng đường 5 năm. Thời gian chưa quá dài nhưng 5 năm đồng hành, sát cánh bên nhau đủ để chúng ta chiêm nghiệm những đổi thay trong đời sống giáo dục và sự lớn mạnh, trưởng thành của Giải.
Bằng ghi nhận thực tế, sự dấn thân của mình, các nhà báo đã viết lên những tác phẩm chân thực, khách quan phản ánh toàn diện, đa chiều các vấn đề về giáo dục trên khắp các vùng miền.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hoan nghênh, ghi nhận và gửi lời cảm ơn chân thành đến các phóng viên nói riêng và cơ quan báo chí trên cả nước nói chung. “Các bạn đã cho chúng tôi thêm một góc nhìn mới về những gì đã, đang và sẽ diễn ra đối với Giáo dục”, Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, mỗi tác phẩm là gạch nối của quá khứ, hiện tại và tương lai, là nhịp đập, hơi thở của đời sống giáo dục… để bồi đắp, gieo thêm niềm tin, lòng trắc ẩn và lan tỏa những điều tốt lành, tình yêu thương, bao dung đến với mỗi người. Từ đây, ngành Giáo dục có thêm cơ sở thực tiễn để đưa ra những chủ trương, quyết sách cho giáo dục của nước nhà.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” cũng là dịp để tri ân và tôn vinh những tác phẩm viết về giáo dục, vinh danh những tác giả luôn âm thầm, dõi theo từng bước đi của Giáo dục theo cách riêng của các nhà báo.
Với ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, Bộ trưởng tuyên bố phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024. Ban tổ chức sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo, để Giải ngày càng uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống bền lâu.