Trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, trong giáo dục mầm non, ngành giáo dục tỉnh kiên trì thực hiện mục tiêu “tăng tỷ lệ trẻ mầm non được tiếp cận giáo dục” và tiếp tục đảm bảo an toàn cho trẻ tại cơ sở giáo dục; khảo sát việc chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1, đáp ứng yêu cầu liên thông Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kết quả, số lượng và tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng so với năm học 2021-2022, đạt và vượt so với kế hoạch đề ra: trẻ nhà trẻ ra lớp đạt tỷ lệ 37,65% (kế hoạch giao 37,5%); trẻ mẫu giáo đến trường chiếm tỷ lệ 95,99% (kế hoạch giao 95,95%).
Chất lượng giáo dục phổ thông năm học 2022-2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch linh hoạt phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, góp phần thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Ngành giáo dục cũng đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế; tiếp tục duy trì và phát triển giáo dục mũi nhọn, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; công tác giáo dục thể chất và phong trào thể thao trường học được đẩy mạnh…
Bên cạnh những nỗ lực của ngành giáo dục, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách về giáo dục và đào tạo và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tiêu biểu như chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh trong toàn tỉnh, từ trẻ mầm non đến học sinh PTTH; chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú; các chính sách, chế độ liên quan đến hoạt động của ngành giáo dục…
Trong năm học 2023-2024, ngành giáo dục tỉnh sẽ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học, bậc học, bảo đảm đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.
Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT).
Bên cạnh đó ngành giáo dục tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành và đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn Ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Ngoài ra, ngành giáo dục tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về GD-ĐT nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong GD-ĐT.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận đề nghị, trong năm học mới ngành giáo dục tỉnh cần nghiên cứu và khắc phục những hạn chế đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện, chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT và của tỉnh; tham mưu đề xuất lãnh đạo tỉnh ban hành các chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục tại địa phương; triển khai đồng bộ các giải pháp và nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và quan tâm chăm lo giáo dục thể chất, y tế, bữa ăn học đường cho học sinh…
Năm học 2022-2023, BR-VT có 18.436 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có 12.290 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập (chưa tính học sinh tuyển thẳng và xét tuyển vào trường phổ thông dân tộc nội trú và THPT Võ Thị Sáu - huyện Côn Đảo); dự kiến có 1.026 học sinh vào học tại các trường tư thục trên địa bàn tỉnh; 1.600 học sinh vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Tính đến 15/7/2023, số học sinh tốt nghiệp THCS đi học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hệ trung cấp, sơ cấp là 2.360 học sinh, chiếm tỷ lệ 12,83%.
Ở cấp THPT, tỉnh có 12.662 học sinh dự xét tốt nghiệp (trong đó có 29 thí sinh tự do); tổng số học sinh tốt nghiệp THPT là 12.490 (trong đó có 18 thí sinh tự do), đạt tỷ lệ: 98,64%; có 20 đơn vị đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100% (gồm 19 trường THPT và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên).
Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, tỉnh còn có 30 thí sinh đoạt giải (3 giải nhì; 10 giải ba; 17 giải khuyến khích). Ngoài ra còn có 90 học sinh đạt giải tại kỳ thi Học sinh giỏi Olympic 27 tháng 4 lớp 8 (04 giải nhất, 13 giải nhì, 33 giải ba và 40 giải Khuyến khích); 915 học sinh đạt giải Học sinh giỏi Olympic 27 tháng 4 lớp 10, lớp 11; 417 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9; 420 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12…