Tăng quốc tế hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Trường Đại học Thủy lợi là một trong những trường đại học đứng đầu về tạo nhóm ngành kỹ thuật tài nguyên nước, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Thuỷ lợi - Thuỷ điện và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Mặc dù là một trường đào tạo chuyên ngành nhưng việc đào tạo của nhà trường đã và đang bắt đầu chuyển hướng lên đa ngành nghề và đa lĩnh vực hơn để đóng góp và đáp ứng kịp thời yêu cầu và nhu cầu của đất nước cũng như nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kĩ thuật trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Theo đó, c Nhóm ngành Công nghệ thông tin tuyển nhiều nhất với 500 chỉ tiêu, sau đó là Kế toán 270. Thí sinh trúng tuyển một số ngành kỹ thuật như Cơ khí, Ôtô, Cơ điện tử... được đăng ký theo học chương trình định hướng làm việc tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Nhà trường cam kết duy trì các Quỹ học bổng đối với học sinh nghèo, đảm bảo hỗ trợ sinh viên suốt cả quá trình học tập tại nhà trường. Theo TS Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi, năm nay, nhà trường đặc biệt thu hút đối tượng tuyển sinh là lưu học sinh quốc tế, với đối tượng này, nhà trường sẽ miễn phí phí ký túc xá, giảm 50% học phí để tăng cường giao lưu quốc tế cho sinh viên Trường ĐH Thủy lợi. Cùng với đó, nhà trường tích cực hợp tác với các các tập đoàn lớn của nước ngoài nhằm tận dụng sự hỗ trợ về Khoa học công nghệ tiên tiến. “Vừa qua, tập đoàn Daihatsu đã hỗ trợ nhà trường hệ thống động cơ, máy móc thực, để các em có thể thực hành tại chỗ, nhờ đó, sau khi ra trường, học viên có thể đáp ứng ngay lập tức các yêu cầu về tay nghề kỹ thuật cao tại các tập đoàn lớn”, TS Trần Khắc Thạc nói.
Xét tuyển đa dạng, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh
Trong phương án tuyển sinh Trường ĐH Thuỷ lợi năm 2020 quy định rõ về đối tượng tuyển sinh với các thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc cấp tương đương. Ngày 12.5, Trường ĐH Thủy lợi chính thức công bố các phương thức xét tuyển tại cơ sở chính tại Hà Nội (TLA) và Phân hiệu cơ sở Phố Hiến và Phân hiệu Miền Nam (TLS).
Theo đó, tại Cơ sở chính tại Hà Nội, Trường ĐH Thủy lợi công bố 3 phương thức xét tuyển. Cụ thể: Xét tuyển thẳng, không quá 10% tổng chỉ tiêu. Tuyển thẳng vào tất cả các ngành theo thứ tự ưu tiên: những thí sinh thuộc các đối tượng xét tuyển thẳng theo quy định trong Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố một trong các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của Nhà trường hoặc đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích tại kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh/thành phố; Thí sinh học tại các trường chuyên; Thí sinh có học lực loại giỏi 3 năm lớp 10, 11, 12 (đối với học sinh tốt nghiệp năm 2020 chỉ xét học kỳ 1); Thí sinh có học lực loại khá trở lên năm lớp 12, đạt chứng chỉ Tiếng Anh từ 5.0 IELTS hoặc tương đương trở lên.
Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT năm 2020, từ 70% tổng chỉ tiêu. Điểm chuẩn trúng tuyển theo các tổ hợp môn xét tuyển là như nhau; Có điểm trúng tuyển theo ngành, theo cơ sở đào tạo thí sinh có điểm tổng các môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của tổ hợp xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Nhà trường, được xét từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu theo quy định. Trường hợp số thí sinh bằng điểm nhau nhiều hơn chỉ tiêu thì xét ưu tiên điểm môn Toán.
Xét tuyển theo các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký (xếp theo thứ tự ưu tiên trên Phiếu đăng ký xét tuyển): Nếu thí sinh đã trúng tuyển theo nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng tiếp theo. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một ngành chỉ căn cứ trên kết quả điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu, vị trí các nguyện vọng của các thí sinh có giá trị như nhau.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả học bạ, không vượt quá 30% tổng chỉ tiêu. Cụ thể, xét tuyển dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm các môn trong tổ hợp xét tuyển, không tính học kỳ 2 năm lớp 12 đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2020.
Cùng với đó, Đại học Thủy Lợi cũng công bố ngưỡng nhận hồ sơ cho nhóm ngành Công nghệ thông tin có tổng điểm đạt từ 21 điểm; Ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có tổng điểm đạt từ 19 điểm; các ngành khác tổng điểm đạt từ 18. Trong trường hợp nhiều thí sinh đạt cùng ngưỡng điểm thì thứ tự ưu tiên là môn Toán. Cách tính Điểm xét tuyển (ĐXT). ĐXT = (M1 + M2 + M3 + điểm ưu tiên). Mi = (TBi_lớp 10 + TBi_lớp 11 + TBi_lớp 12)/3. (Trong đó: i=1-3, là số môn trong tổ hợp xét tuyển; TBi: Điểm TB năm môn i; Mi: Điểm trung bình 3 năm môn i; đối với thí sinh TN năm 2020 TBi_lớp 12 = TBi HK1 lớp 12).
Tại Cơ sở Phố Hiến và Phân hiệu Miền Nam (TLS), Trường Đại học Thủy lợi thông báo, phương thức 1, 2 tương tự như Cơ sở chính tại Hà Nội và không vượt 50% tổng chỉ tiêu của mỗi cơ sở; Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả học bạ, không vượt 50% tổng chỉ tiêu của mỗi cơ sở. Xét tuyển cũng dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm các môn trong tổ hợp xét tuyển, không tính học kỳ 2 năm lớp 12 đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2020. Ngưỡng nhận hồ sơ là thí sinh đạt từ 16 trở lên.