- Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của ngành BHXH trong năm 2015?
- Trước hết phải khẳng định, năm 2015 vừa qua, ngành BHXH có rất nhiều nỗ lực, luôn bám sát kế hoạch công tác và điều hành của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp, từ đó triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Vì vậy, kết thúc năm 2015, toàn ngành đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao.
Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, năm 2015 được ngành BHXH xác định là năm bản lề trong việc hiện đại hóa quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, trong đó một số lĩnh vực được tập trung chỉ đạo thực hiện và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn ngành tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, rà soát, đơn giản và cắt giảm mạnh thủ tục hành chính; thực hiện việc giao dịch hồ sơ giữa doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với cơ quan BHXH thông qua hệ thống bưu điện. Các chương trình, dự án về công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa ngành như: Hệ thống giao dịch BHXH điện tử; phần mềm cấp số định danh và quản lý BHYT theo hộ gia đình; phần mềm giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, đã được triển khai cho kết quả tích cực.
Đặc biệt, trong năm 2015, việc tổ chức thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện luật đã được BHXH Việt Nam tập trung chỉ đạo, kịp thời tuyên truyền, cung cấp thông tin và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thủ tục hành chính được cắt giảm từ 115 xuống còn 33 thủ tục; thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp được rút ngắn từ 335 giờ xuống còn 81 giờ vào năm 2015 và còn 45 giờ vào đầu năm 2016 khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. |
Mặc dù vậy, trong năm 2015, việc thực hiện nhiệm vụ của ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Đó là diện bao phủ BHXH mới đạt khoảng 22,5% lực lượng lao động, số người tham gia BHYT đạt khoảng 76% dân số. Vì vậy, cần phải có những giải pháp hợp lý để vừa phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo lộ trình của Nghị quyết 21-NQ/TW và các chỉ tiêu Chính phủ giao, vừa bảo đảm sự ổn định, bền vững và chất lượng của các nhóm đối tượng tham gia. Tình trạng lạm dụng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN còn phổ biến; công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN còn bất cập. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tại một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chung của ngành.
- Vậy những biện pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại trong việc thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT của ngành BHXH trong thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng?
- Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2016 và hoạt động của ngành BHXH những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao nhất, toàn ngành BHXH cần hết sức nỗ lực trong việc phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, vướng mắc thông qua một số những giải pháp cụ thể sau: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; Đề án “Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020”; Đề án “Chiến lược phát triển ngành BHXH giai đoạn 2013 - 2020”.
Tổ chức thực hiện tốt các Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật Dược... và kịp thời đánh giá, đề xuất các giải pháp để bảo đảm an toàn quỹ BHXH, BHYT, BHTN trong giai đoạn 2016 - 2020 và sau 2020. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông dữ liệu với cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về các chính sách an sinh xã hội để tích cực tham gia.
- Được biết, năm 2015, nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp... BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính ứng dụng CNTT; Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về những kết quả đã đạt được ở lĩnh vực này?
Năm 2015, số người cùng tham gia BHXH, BHYT ước đạt 12 triệu người; tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 10,2 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện là 254,6 nghìn người và tham gia BHYT là 70 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 76% dân số; số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt: 211 nghìn tỷ đồng, bằng 103,63% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. |
- Năm 2015 được xác định là năm trọng tâm tiếp tục cải cách TTHC theo Nghị quyết 19/NQ-CP, BHXH Việt Nam đã tập trung tối đa nguồn lực, triển khai đồng loạt các giải pháp thực hiện cải cách hành chính nhằm cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Để công tác rà soát TTHC đạt hiệu quả cao nhất, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ rà soát hoạt động chuyên nghiệp để rà soát tổng thể TTHC, tuân thủ các nguyên tắc: Hạn chế tối đa việc khai báo của tổ chức, cá nhân trong kê khai BHXH, BHYT, BHTN; đơn giản hóa việc kê khai TTHC theo hướng người kê khai tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai, cơ quan BHXH tăng cường khâu hậu kiểm. Tổ chức, cá nhân chỉ phải kê khai thông tin lần đầu và kê khai khi có thay đổi thông tin, không phải kê khai lại những thông tin đã cung cấp cho cơ quan BHXH; cơ quan BHXH có trách nhiệm sử dụng những thông tin đã có để phục vụ cho việc thẩm định và phê duyệt. Sử dụng các thông tin, kết quả của các cơ quan nhà nước khác theo cơ chế phối hợp liên thông, không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải đến kê khai lại thông tin mà tổ chức, cá nhân đã kê khai trước đó.
Quyết liệt thực hiện Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Ngày 18.5.2015, BHXH Việt Nam đã khai trương cổng thông tin điện tử, đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý của ngành qua đó sẽ cắt giảm được thời gian kê khai và nộp hồ sơ về BHXH, BHYT, BHTN, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm công nghệ thông tin xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu của giao dịch điện tử trong toàn hệ thống. BHXH Việt Nam đã xây dựng các phần mềm nghiệp vụ quản lý thu SMS, quản lý sổ, thẻ QLST, kế toán VSA; xét duyệt chế độ ngắn hạn OĐTS... để phục vụ cho việc liên kết, trao đổi thông tin giữa các bộ phận nghiệp vụ, rút ngắn thời gian giải quyết chế độ ở từng bộ phận. Hiện BHXH Việt Nam đang triển khai Dự án xây dựng phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ và thí điểm tại thành phố là thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau khi hoàn thành Dự án này, việc cấp mã định danh cho các đơn vị và người lao động được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi và chính xác và BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai ở các tỉnh, thành phố khác để phục vụ công tác quản lý BHXH, BHYT và BHTN.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!