Hiện cả nước đã có 43 tỉnh, thành ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi. Các tỉnh, thành có số mắc cao như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái. Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, hầu hết trẻ mắc bệnh sởi đều không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%), chủ yếu ca mắc ở trẻ dưới 5 tuổi. Chỉ có 1,3% trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn mắc sởi.
Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh sởi có thể tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới tại các tỉnh do trẻ không được tiêm chủng hoặc không tiêm đầy đủ, thời tiết mùa đông xuân cũng là điều kiện thuận lợi cho virus sởi lây truyền, người dân di biến động trong dịp tết tăng cao. Hiện dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nên nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Vì vậy, theo ông Đặng Quang Tấn, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo. Đôn đốc các tỉnh, thành triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho 57 tỉnh, thành có nguy cơ cao hoặc tại những tỉnh, thành có số mắc cao hoặc tăng đột ngột, lưu ý các địa bàn có di biến động dân cư cao, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi tại cộng đồng và cơ sở y tế; đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Ngành y tế đặc biệt nhấn mạnh rõ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay.