Bác sỹ La Đức Cương, Trưởng Ban điều hành dự án phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng - bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em, bệnh lý tâm thần chính là sự bất thường về các hoạt động tâm sinh lý. Dưới áp lực của cuộc sống hiện đại, số bệnh nhân mắc bệnh tâm thần ngày một tăng. Đáng lo ngại hơn là xu hướng có nhiều người trong độ tuổi thanh thiếu niên mắc phải căn bệnh này.
Theo kết quả khảo sát của Viện Tâm thần Trung ương tại 8 vùng sinh thái trên cả nước được đưa ra hồi tháng 9.2013, tỷ lệ người có rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm 15 - 20% dân số. Như vậy, cứ 5 người Việt có 1 người bị rối loạn tâm thần. Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, số liệu đó còn khiêm tốn, nếu đủ kinh phí khảo sát ở quy mô lớn thì có lẽ con số sẽ cao hơn.
Nguồn: ITN |
Theo bác sỹ La Đức Cương, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần cho nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên nhằm bảo đảm quyền được bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân và bảo đảm nguồn lực phát triển xã hội. Từ năm 1999 đến nay, Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng đã được triển khai trên cả nước. Sau hơn 13 năm, Dự án đã được phủ sóng 70% số xã, phường trên cả nước với gần 70% người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh được quản lý và điều trị. Tỷ lệ người bệnh ổn định, sống hòa nhập với cộng đồng, không tái phát đi viện tăng lên từng năm. Gia đình người bệnh giảm gánh nặng về kinh tế trong điều trị và các hành vi gây rối của bệnh tâm thần. Riêng năm 2013, có gần 21 nghìn bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm được phát hiện, quản lý và điều trị.
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động của Dự án đôi khi gặp phải một số khó khăn. Nhân lực cán bộ chuyên khoa tâm thần ở các tỉnh còn thiếu và yếu, cho nên việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch, chất lượng Dự án còn hạn chế. Cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã hay thay đổi công việc nên ít được cập nhật kiến thức làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo chuyên môn chưa được liên tục. Kinh phí cấp cho dự án còn thấp vì vậy một số mục chi bị cắt giảm… Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt vùng sâu, vùng xa về sức khỏe tâm thần còn chưa được cải thiện, nhiều quan niệm còn lệch lạc. Ở một số tỉnh, các cấp chính quyền còn chưa thực sự quan tâm, chưa tạo điều kiện giúp đỡ cho người bệnh một cách đúng mức.
Để đạt được mục tiêu của chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần quốc gia là điều trị bệnh và giúp đỡ người bệnh hòa nhập cộng đồng, Ts Nguyễn Hữu Chiến - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I – cho rằng, cần phối hợp nhiều liệu pháp điều trị, tinh thần chung sức của gia đình, các tổ chức xã hội và đặc biệt là sự hợp tác của người bệnh.
Bộ Y tế cho biết, năm nay, Dự án sẽ triển khai việc phát hiện và quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh tại 200 – 300 xã, phường; tiếp tục điều tra phát hiện, quản lý, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an ninh xã hội.