Đề án Khám, chữa bệnh từ xa

Người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao

- Thứ Hai, 14/12/2020, 12:51 - Chia sẻ
Theo Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế, các cơ sở y tế trên cả nước đã góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn giữa các tuyến và giúp người dân được hỗ trợ y tế thường xuyên nhất là khi cần thiết. Qua đó, người bệnh chỉ cần ở tuyến dưới cũng được khám, chữa bệnh từ xa với các bác sĩ giỏi, giảm chi phí, thời gian đi lại và chờ đợi, giúp làm giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Người dân được hưởng lợi

Huyện Quảng Bạ, tỉnh Hà Giang là một trong những huyện miền núi, địa hình chia cắt, có những người dân để tới Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện phải di chuyển tới vài chục cây số, đó là chưa kể để đi lên tuyến tỉnh, trung ương phải trải qua một quãng đường rất dài và tốn nhiều chi phí. Nhưng kể từ khi BVĐK huyện Quảng Bạ xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn.

Phó Giám đốc BVĐK huyện Quản Bạ Viên Đức Hải cho biết, từ khi hệ thống Telehealth đi vào hoạt động, bệnh viện gửi bệnh án, phim chụp của bệnh nhân, nhờ các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn và cho hướng điều trị. Sau khi bệnh nhân được các chuyên gia hội chẩn, kết quả được đưa vào hệ thống tại Hà Giang, bệnh nhân và nhân viên y tế có thể tra cứu dữ liệu bằng tài khoản và mật khẩu của mình. Việc ứng dụng hệ thống khám bệnh, tư vấn từ xa giúp bệnh nhân kiểm tra, kiểm soát sức khỏe kịp thời. Từ đầu năm đến nay BVĐK huyện Quản Bạ đã khám, chữa bệnh cho trên 13.600 bệnh nhân; trung bình 1 tuần có 1 ca bệnh nặng được các bác sĩ tuyến trên hội chẩn. Từ khi có hệ thống Telehealth, số ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên đã giảm đi 5% so với cùng kỳ năm trước. 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ tham gia hội chẩn trực tuyến do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chủ trì.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ tham gia hội chẩn trực tuyến do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chủ trì.

Hiện Bộ Y tế đã kết nối 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Toàn bộ 63 tỉnh thành đã có bệnh viện đăng ký. Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, quan điểm chủ đạo của Đề án là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa” và mục tiêu là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Nếu như trước đây, các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1 - 1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới thì hiện nay, đề án này sẽ mở rộng theo mô hình 1 - N để mang lại hiệu quả nhiều hơn. Khi tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, tất cả bệnh viện tuyến dưới có kết nối hệ thống Telehealth đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, học tập và nâng cao chuyên môn, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới.

Cần đầu tư để phát huy hiệu quả

Dịch vụ khám, chữa bệnh đang có những chênh lệch nhất định về trình độ chuyên môn giữa các tuyến. Đó là một trong những lý do người dân khắp nơi đổ xô lên tuyến Trung ương, dẫn đến vô số hệ lụy như quá tải, nằm ghép, phí ngầm...

Giám đốc Bệnh viện E GS Lê Ngọc Thành chia sẻ, từ nhiều năm nay, nhằm hỗ trợ các ca bệnh khó ở tuyến dưới, các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi của Bệnh viện E đã thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa với các bác sĩ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber… để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu và kịp thời nhất cho người bệnh. Điều đáng nói là tất cả các trường hợp mà bệnh viện tuyến dưới đưa ra hội chẩn, đều là các ca bệnh nặng, phức tạp, mà các bác sĩ cơ sở gặp khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. Nhờ các buổi khám, chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân nặng, những trường hợp cấp cứu thuộc các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, sọ não, thần kinh, sản khoa… không kịp chuyển tuyến đã được cứu sống. 

Tuy nhiên, GS. Lê Ngọc Thành cũng chỉ ra rằng, hiện nay các BVĐK ở vùng sâu, vùng xa đều rất khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh nên chỉ làm được các xét nghiệm cơ bản, tỷ lệ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao còn hạn chế... Nhân lực chủ yếu là các bác sĩ chuyên khoa cấp I, cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên, chuyên khoa sâu. Do đó, bệnh viện tuyến cơ sở cần được quan tâm đầu tư để đạt mục tiêu mà Đề án Khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế đề ra đó là mọi người dân đều được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở.

Tùng Dương