- Những năm gần đây, giáo dục giới tính là chủ đề đã được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam, tuy nhiên chủ đề này vẫn bị coi là nhạy cảm. Theo ông, nên bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ em từ độ tuổi nào là phù hợp?
PGĐ Nguyễn Trọng An: Theo tôi, giáo dục giới tính phải càng sớm càng tốt, phải đưa vào giáo dục ngay từ độ tuổi mầm non, từ nhẹ đến mạnh dần, từ ít đến nhiều. Đầu tiên phải từ gia đình, các bậc cha mẹ giáo dục giới tính cho con cái thông qua hướng dẫn trong gia đình, thông qua những con vật, rồi đến lúc lớn dần lên với vấn đề giống đực giống cái, vấn đề giao phối, vấn đề sinh con… Hệ thống giáo dục của ta đã tranh cãi rất nhiều và kết quả là đã đưa giáo dục giới tính vào từ năm lớp 5, nhưng như vậy vẫn là muộn. Theo tôi, nên bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ em càng sớm càng tốt và phải bắt đầu từ gia đình.
PGĐ Nguyễn Trọng An | Ảnh: Lan Chi |
- Việc thiếu kiến thức và kỹ năng về giới tính cũng như tự bảo vệ bản thân khỏi xâm hại tình dục trong giới trẻ hiện nay đã đẩy vị trí xếp hạng của Việt Nam lên số 1 Đông Nam Á và số 5 Thế giới về tỷ lệ nạo phá thai. Đáng báo động hơn nữa là tỷ lệ này tập trung cao ở độ tuổi 15 - 24. Ông đánh giá như thế nào trước thực trạng này?
Muốn giáo dục giới tính trong nhà trường bảo đảm kết quả thì trước hết phải có hệ thống hỗ trợ kiến thức cho các bậc cha mẹ trong gia đình. Gia đình mới là điểm xuất phát, sau đó là kỹ năng cho các thầy cô giáo. Phải thực hiện từng bước, một cách mềm mỏng, có khoa học. Thứ hai là hệ thống truyền thông, báo chí tuyên truyền, phải bảo đảm sự hài hòa, nếu không trẻ nhỏ sẽ bị tò mò. |
PGĐ Nguyễn Trọng An: Số liệu thống kê Việt Nam đứng thứ 5 Thế giới về nạo phá thai ở vị thành niên là đúng. Giáo dục giới tính chậm hoặc các vấn đề về giáo dục tình dục, giới tính của Việt Nam chỉ là một trong những nguyên nhân. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Theo tôi, nguyên nhân chính là vấn đề giám sát độc lập quyền trẻ em, giáo dục gia đình, vấn đề gia phong, mỹ tục. Giáo dục nhà trường thì không đi sâu vào vấn đề tình dục giới tính mà cứ đi loanh quanh. Thực tế hiện nay cho thấy, giáo dục giới tính đã đưa vào từ năm lớp 5 nhưng đến lớp 7, lớp 8 học sinh hỏi cô giáo về vấn đề này cô giáo vẫn “đỏ mặt tía tai”, không giải thích rõ ràng, hời hợt và không đi vào cụ thể. Một vấn đề nữa là vấn đề quản lý giám sát của ngành y tế trong lĩnh vực hướng dẫn về tình dục an toàn, quản lý về vấn đề nạo phá thai chui, quản lý về hành nghề y...
- Ông có cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa giáo dục giới tính là nội dung bắt buộc ở bậc học phổ thông và phải là một quá trình liên tục và tổng thể?
PGĐ Nguyễn Trọng An: Theo tôi điều này rất cần thiết, tôi cũng đã đề nghị vấn đề này từ rất lâu, nhưng hiện tại là Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách giáo dục đi lệch hoàn toàn so với thế giới. Bản thân tôi cũng đã được học ở các nước tư bản rất nhiều và tôi thấy cách giáo dục của ta khác hẳn. Ngay tại nước ta, những trường Quốc tế do chính nước ngoài triển khai và liên doanh với Việt Nam dạy con em người Việt với người nước ngoài đều có cách giáo dục khác. Nền giáo dục của ta quá nặng về nhồi nhét, chúng ta chưa hiểu rằng trẻ em phát triển cả tinh thần, trí tuệ, thể chất và xã hội mới khỏe mạnh được. Do đó, nếu muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục giới tính vào chương trình phải cân đối lại và giảm hẳn các vấn đề nhồi nhét cho trẻ em, đưa các vấn đề về văn, hóa, toán, lý thật hài hòa theo lứa tuổi. Riêng giáo dục giới tính phải đưa vào rất sớm và phải có kỹ năng giáo dục phù hợp với trẻ em chứ không phải sử dụng những diễn thuyết hay những phương pháp cứng nhắc, điều đó sẽ không hấp thụ được và cuối cùng trở thành phản hồi ngược, như trước kia hay nói là “vẽ đường cho hươu chạy". Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy, ngành giáo dục phải cải tổ hoàn toàn nếu như đưa thêm bộ môn Giáo dục giới tính này vào. Nhưng tôi vẫn khuyến nghị rằng phải đưa vào sớm.
Ảnh minh họa: Duy Thông |
- Nhiều nước trên thế giới, đơn cử như Thụy Điển, năm 1966 đã chính thức đưa Giáo dục phòng tránh thai và nhiều hoạt động khác về giáo dục giới tính lên truyền hình, phá vỡ sự ngại ngùng cho phụ huynh khi trò chuyện với con em về vấn đề này. Ông đánh giá như thế nào về việc này và Việt Nam có nên học tập theo kinh nghiệm này không?
PGĐ Nguyễn Trọng An: Theo tôi, Việt Nam trước mắt cứ học tập các nước xung quanh ở vùng châu Á hay 10 nước ASEAN. Các nước ASEAN có Singapore, Thái Lan là 2 nước phù hợp với nước ta vì theo đạo Phật, còn một số nước như Malaysia hay Indonesia họ theo đạo Hồi nên giáo dục của họ hơi khác. Nhưng dù sao họ cũng có những quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề sinh hoạt tình dục. Các nước này có các chương trình giáo dục rất cụ thể về vấn đề giới tính, tình dục, sinh hoạt tình dục, tình dục an toàn, phòng tránh thai. Theo tôi, song song vấn đề giáo dục là phải có sự giám sát chặt chẽ về luật pháp, vấn đề y tế rồi các vấn đề khác.
- Xin cảm ơn ông!