ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình QH tại kỳ họp này đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu, từ nghị trường và các hội thảo lấy ý kiến giới chuyên môn. Trong đó, dự thảo Luật đã có chương riêng về đấu thầu thuốc với nhiều điểm mới. Cụ thể, về hình thức lựa chọn nhà thầu, dự thảo Luật đã đưa thêm hình thức đàm phán giá với đối tượng mở rộng hơn, có ưu điểm linh động kịp thời, công khai minh bạch hơn so với chỉ một hình thức đấu thầu rộng rãi. Dự thảo cũng quy định hình thức chỉ định thầu rút gọn thoáng hơn cho một số trường hợp đặc thù, hướng đến đáp ứng kịp thời nhu cầu thuốc cho các cơ sở y tế trong những trường hợp khẩn cấp cũng như trong việc phòng chống dịch bệnh.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu (sửa đổi) về lựa chọn nhà thầu, tại Điều 16 về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu có quy định tỷ lệ các nội dung thang điểm cho hàng hóa nói chung như kinh nghiệm năng lực nhà thầu, giải pháp và phương pháp luận với yêu cầu gói thầu, nhân sự nhà thầu... Với mức yêu cầu tối thiểu 70% tổng số điểm. Việc quy định tỷ lệ điểm như vậy là rất hay, tránh được sự tùy tiện trong xây dựng thang điểm dẫn đến mất cân đối và tình trạng hàng hóa nào cũng đạt chuẩn để chỉ chọn giá sau đó. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với mặt hàng đặc thù là thuốc.
Để khắc phục tình trạng này, cần bổ sung quy định về tỷ lệ hợp lý của thang điểm đối với thuốc bao gồm kinh nghiệm năng lực nhà thầu, chất lượng kỹ thuật của thuốc (chất lượng nhà máy sản xuất, chất lượng nguyên liệu, chất lượng thành phẩm bao gồm cả kết quả kiểm nghiệm và thời hạn sử dụng) và chất lượng điều trị của thuốc (kinh nghiệm sử dụng, hiệu quả đánh giá của giới điều trị).
- Vai trò của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong quá trình thực hiện đấu thầu thuốc đã được đề cập đầy đủ và rõ ràng trong dự thảo Luật hay chưa, thưa Đại biểu?
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi, dự thảo Luật đã thể hiện rõ hơn vai trò của cơ quan bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam trong chủ trì, phối hợp và giám sát trong suốt quá trình đấu thầu thuốc. Ngoài ra, quy định cụ thể trách nhiệm của bảo hiểm xã hội Việt Nam trong Hội đồng tư vấn quốc gia về quản lý thuốc ở Điều 87 của dự thảo nghị định rất thiết thực. Về lâu về dài, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò này của Bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, bảo hiểm xã hội có thể xem xét đứng ra cung ứng các loại thuốc trong hoạt động đấu thầu thuốc.
Một điểm đáng chú ý là quy định về vai trò của Bảo hiểm xã hội trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này cần đặt trong sự tương thích và thống nhất với Luật Bảo hiểm y tế đang được sửa đổi. Một trong những vấn đề của Bảo hiểm y tế hiện nay là không cân đối được quỹ, luôn có nguy cơ đổ vỡ quỹ. Thực chất của bảo hiểm y tế là đóng tiền trước cho một số đông để lo cho một số người bị rủi ro về sức khỏe. Các quy định cần tính toán làm sao để có mức đóng phù hợp. Thứ nữa, dần dần cần tính đến việc chuẩn hóa mức chi trả làm sao để thống nhất, phù hợp. Ví dụ, đưa ra gói bảo hiểm y tế cơ bản với mức chi trả cơ bản; gói bảo hiểm y tế bổ sung thì mức đóng cao hơn. Hoạt động của bảo hiểm xã hội trong đấu thầu thuốc chính là một trong những động thái để xây dựng gói bảo hiểm y tế cơ bản bởi không phải loại thuốc nào cũng được bảo hiểm chi trả. Bảo hiểm xã hội sẽ kết hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để quy định về vấn đề này.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Trước hết, có thể thấy rằng, việc áp dụng, thực thi các quy định trong luật đấu thầu hiện hành cũng chưa được tốt. Luật đấu thầu (sửa đổi) lần này xây dựng nguyên tắc, khung pháp lý cho hoạt động đấu thầu thuốc. Thực tế, hoạt động đấu thầu thuốc tại các bệnh viện phụ thuộc nhiều vào các Nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, đấu thầu thuốc chỉ là một trong các mảng nhỏ của quản lý giá thuốc nói chung. Khi nào mà thị trường còn quá nhiều mặt hàng, không minh bạch về giá cả, khi nào việc quản lý giá còn lỏng lẻo để giá kê khai các mặt hàng thuốc vượt quá xa giá thực tế thì sẽ còn kẽ hở cho tiêu cực.
Trong dự thảo Luật cũng đưa ra điều khoản quy định Bảo hiểm y tế có quyền từ chối thanh toán với những trường hợp thuốc có giá quá chênh lệch sau khi đấu thầu. Muốn hoạt động đấu thầu thuốc chuẩn thì trước hết phải chuẩn ở khâu xây kế hoạch, đưa ra giá kế hoạch phải chuẩn. Từ xưa đến nay chưa có văn bản nào quy định phương pháp, căn cứ để xây dựng giá kế hoạch. Trong dự thảo Luật cũng đã đưa điều khoản là bên Bảo hiểm y tế công khai giá trúng thầu của các địa phương, đồng thời xây dựng giá trung bình cho các mặt hàng. Các địa phương sẽ căn cứ vào giá trung bình do Bảo hiểm y tế đưa ra để xây dựng giá kế hoạch.