Ung thư phổi đang diễn biến phức tạp...
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Năm 2018 cả nước ghi nhận 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư.
Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
Tầm soát ung thư tại bệnh viện K. | Nguồn: ITN |
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương PGS TS Lê Văn Quảng, nếu như trước đây, ung thư phổi dẫn đầu trong các bệnh ung thư ở Việt Nam thì vài năm gần đây, ung thư gan vươn lên số 1, tuy nhiên, số ca tuyệt đối của ung thư phổi chỉ tăng, không giảm. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ca ung thư phổi mà bệnh nhân còn khá trẻ, các dấu hiệu phát hiệu ung thư phổi sớm rất mơ hồ, có thể chỉ ho, tức ngực nhẹ, nhiều người chủ quan bỏ qua hoặc ho khạc ra ít tơ máu lại nghĩ do ho nhiều hay bệnh lao. Còn đến khi tức ngực nặng nề, khó thở, đi khám thì ung thư phổi thường đã ở giai đoạn 3, 4.
"Theo thống kê, 2/3 bệnh nhân ung thư phổi đến khám ở Bệnh viện K đã ở giai đoạn muộn. Khả năng điều trị ở giai đoạn sớm (phẫu thuật) không cao mà phải điều trị xạ trị, hóa chất luôn… Đó cũng là lý do khiến số bệnh nhân tử vong do ung thư phổi rất cao" - PGS TS Lê Văn Quảng nói.
Khó chẩn đoán, gian nan điều trị
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 ca tử vong do căn bệnh này. |
Theo Bệnh viện K Trung ương, việc phát hiện ung thư phổi sớm và điều trị bệnh là rất gian nan, khó khăn. Các phương pháp cũ như chụp Xquang, xét nghiệm đờm, cho đến phương pháp mới nhất hiện nay là sàng lọc bằng chụp CT liều thấp nhưng hiệu quả đều không thực sự rõ ràng. Vì ung thư phổi tiến triển rất nhanh, có khi khám, chụp không hề thấy bất cứ dấu hiệu ung thư nào nhưng đến 6 tháng sau chiếu chụp lại phổi đã có khối u lớn.
Theo PGS TS Lê Văn Quảng, hiện việc điều trị ung thư phổi hiện cũng còn khó khăn, tỷ lệ bệnh nhân kéo dài được cuộc sống sau 5 - 6 năm còn rất ít. Chỉ có cách phòng ngừa ung thư, đặc biệt ung thư phổi tốt nhất là sống lành mạnh, tập thể dục thể thao, tránh lạm dụng rượu bia và đặc biệt là rời xa thuốc lá. Những người trên 50 tuổi, đặc biệt là người có tiền sử hút thuốc lá, sống trong môi trường có nhiều khói thuốc lá nên đi khám sức khỏe thường xuyên để được chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm.