Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 1.10, toàn thành phố có 5.915 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Từ tuần 35, số ca tay chân miệng bắt đầu tăng nhanh, trung bình có tới 400 ca bệnh/tuần. Tính riêng trong tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng là 1.388 ca, tăng 63% so với tháng 8. Đáng lưu ý, chỉ trong 2 tháng gần đây, tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 6 chùm ca bệnh tay chân miệng trong trường học. Dù số ca bệnh tay chân miệng vẫn đang giảm 20% so với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên, so với trung bình 4 tuần trước số ca mắc tay chân miệng trong tuần qua đã tăng 54%. Mặc khác, theo chu kỳ, đỉnh dịch tay chân miệng vẫn còn một đợt vào tháng 11 - 12 hàng năm.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên bệnh tay chân miệng chỉ có thể phòng ngừa chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Do việc kiểm soát phòng chống bệnh tay chân miệng ở cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nên ngành y tế thành phố sẽ tập trung phòng chống dịch ở trường học. Nếu có ca bệnh xuất hiện trong trường học, ngành y tế sẽ phối hợp với trường thực hiện các biện pháp kiểm soát, khử khuẩn không cho dịch lây lan ra cộng đồng.
Sở Y tế thành phố yêu cầu Phòng y tế các quận, huyện tham mưu cho chính quyền địa phương kiểm tra vệ sinh tất cả các trường học trên địa bàn, khử khuẩn trường lớp để phòng chống tay chân miệng. Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn kiểm tra lại nhóm tác nhân chính gây bệnh tay chân miệng để có hướng ứng phó kịp thời. Đối với các chùm ca bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện liên quan tiếp tục giám sát và xử lý hàng ngày.