Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển đổi số trong quản trị đại học
Nhóm 7 trường đại học kỹ thuật gồm: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Thủy Lợi và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả các hoạt động đã triển khai trong giai đoạn vừa qua, cũng như những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để cùng nhau trao đổi đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác cho giai đoạn tới.
Trước đó, nhóm 7 trường đại học kỹ thuật đã ký kết hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: Hợp tác phát triển chương trình đào tạo kỹ sư (ký tại Đà Nẵng vào tháng 6.2020); Hợp tác toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng, truyền thông (ký tại Hà Nội vào tháng 1.2021);
Hợp tác truyền thông (ký tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4.2021); Hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ký tại Sapa vào tháng 9.2022); Hợp tác kiểm định quốc tế và đảm bảo chất lượng (ký tại Đà Lạt vào tháng 12.2022); Hợp tác trong chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng (ký tại Bình Định vào tháng 3.2023).
Cũng tại Hội nghị, nhóm 7 trường đại học kỹ thuật đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về hoạt động chuyển đổi số trong quản trị đại học. Mục tiêu chung là cùng nhau phát triển, phát huy thế mạnh của mỗi trường để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển đổi số trong quản trị đại học.
Nội dung hợp tác về chuyển đổi số trong quản trị đại học gồm 6 vấn đề chính.
Thứ nhất, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động chuyển đổi số, các nhóm giải pháp chuyển đổi số tại các trường, trong đó có nhóm quản trị số, nhóm đào tạo số, nhóm hạ tầng số và an toàn thông tin.
Thứ hai, tổ chức triển khai các phòng thí nghiệm ứng dụng chuyển đổi số dùng chung giữa các trường.
Thứ ba, tăng cường phối hợp nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hiện đại hóa và bảo mật, số hóa dữ liệu thành tri thức góp phần tăng trải nghiệm của sinh viên, trao quyền cho nhà nghiên cứu và tăng tốc độ nghiên cứu.
Thứ tư, xây dựng mạng lưới hạ tầng chuyển đổi số cho phép trao đổi tài nguyên số giữa các trường như thông tin, thư viện, học liệu số…
Thứ năm, chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị đại học, chiến lược quản trị hướng tới tự chủ đại học, đại học thông minh, đại học số.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp nghiên cứu và triển khai áp dụng mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam nói chung và với điều kiện của từng trường đại học nói riêng.
Lần hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vai trò và tăng cường sự đóng góp của đội ngũ tri thức, các nhà khoa học, các giảng viên của nhóm 7 trường trong việc tiên phong đổi mới, sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị đại học. Từ đó, đạt được mục tiêu kép là tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 và rút ngắn thời gian chuyển đổi mô hình hoạt động.
7 trường đại học kỹ thuật lớn sẽ giúp Yên Bái đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Trước đó, ngày 23.8, UBND tỉnh Yên Bái và 7 trường đại học kỹ thuật nói trên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, mục tiêu đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, đề án, chính sách phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái.
Với sự hợp tác này, UBND tỉnh Yên Bái sẽ chia sẻ các thông tin liên quan tới tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu đổi mới về khoa học công nghệ của tỉnh; hỗ trợ nhóm 7 trường trong việc triển khai các hoạt động hợp tác chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bố trí cán bộ tham gia xây dựng và phối hợp thực hiện các chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn kinh phí phù hợp để phối hợp thực hiện.
Về phía nhóm 7 trường sẽ tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực như các khóa ngắn hạn, văn bằng hai, sau đại học, hội nghị, hội thảo về những công nghệ mới trong các lĩnh vực kỹ thuật là thế mạnh của các trường; đề xuất đặt hàng các đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học công nghệ và các dự án tiềm năng giúp tỉnh giải quyết những vấn đề lớn, cũng như những thách thức đang đặt ra từ thực tiễn.
Bên cạnh đó, thành lập các nhóm chuyên gia liên trường, liên ngành, liên lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đề xuất và tổ chức, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và chuyển giao công nghệ mang tính chiến lược cấp Bộ, cấp Nhà nước, cấp tỉnh nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Các trường cũng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh Yên Bái để hỗ trợ triển khai và thương mại hoá kết quả nghiên cứu hình thành từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xúc tiến đầu tư - hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng các dự án, đề án, quy hoạch; triển khai hoạt động tư vấn trong thi công, cải tạo, nâng cấp phục vụ cho việc phát triển và khai thác hợp lý tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững của địa phương.