Luận án tiến sĩ thiếu hàm lượng khoa học là có cơ sở
- Dư luận xã hội gần đây lại xôn xao về một số luận án tiến sĩ thiếu hàm lượng khoa học. Thực tế, đây không phải vấn đề mới, mà nhiều năm nay đã xuất hiện không ít luận án tiến sĩ được đánh giá là “không đủ tầm”, ra đời từ những “lò đào tạo tiến sĩ”, dẫn đến những “tiến sĩ giấy”, “tiến sĩ rởm”… Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?
- Vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam là chủ đề luôn nóng. Gần đây, chất lượng đào tạo tiến sĩ lại được xớixáo khixuất hiện luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh tại Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Điều đáng nói là ngoài luận án tiến sĩ phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức, Viện Khoa học Thể dục thể thao còn hướng dẫn và nghiệm thu cho hàng chục đề tài tương tự…
Khi đọc tên đề tài, cùng với những giải pháp, kiến nghị và đóng góp cho khoa học, dư luận xã hội đặt câu hỏi các luận án này đã thực sự xứng tầm là một luận án tiến sĩ? Bởi theo quy định, luận án tiến sĩ phải có đóng góp mới trong học thuậtvà giải đáp những vấn đề khoa học trọn vẹn.
Như vậy, tôi cho rằng, thời gian vừa qua, dư luận xã hội bàn tán về hàng loạt luận án tiến sĩ thiếu hàm lượng khoa học là có cơ sở và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.
- Nhưng bức tranh đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam không hoàn toàn bi quan như thế. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét, đánh giá để có cái nhìn toàn diện về đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam, thưa ông?
- Đúng vậy! Không nên đánh đồng,vì một con sâu làm rầu nồi canh. Theo nghiên cứu của tôivà một số nhà khoa học, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2017 đã khuyến khích hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, công bố quốc tế trong các trường đại học. Hiện nay, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, 100% tiến sĩ trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Công nghệ đều có bài báo công bố quốc tế. Với lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, nhiều người vẫn nói là khó có công bố quốc tế, nhưng đến nay, các nghiên cứu sinh của Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Khoa học xã hộivà Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có công bố quốc tế, thậm chí trên cả những tạp chí uy tín thế giới.
Các bài báo được công nhận quốc tế đã chứng minh chất lượng đào tạo tiến sĩ của nước ta không hề thua kém các nước khác. Từ một nước gần như “đội sổ” về công bố quốc tế trong khu vực, năm 2020, Việt Nam vươn lên đứng thứ 49 trên thế giới và đứng thứ 4 ở ASEAN về công bố quốc tế. Cũng nhờ đó, chúng ta mới có hai đại học quốc gia và một số trường đại học khác lọt vào thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng QS, THE...
Có bài báo công bố quốc tế sẽ chứng minh liêm chính học thuật
- Vậy theo ông, nguyên nhân dẫn đến các luận án tiến sĩ thiếu hàm lượng khoa học là gì?
- Có thể nói, chính sách của Nhà nước có tác động rất lớn đến chất lượng đào tạo tiến sĩ. Từ năm 2017 đến nay, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ với yêu cầu đầu vào tiến sĩ phải có công bố quốc tế, nhiều ngành/chuyên ngành học không tuyển được nghiên cứu sinh. Điển hình như năm 2020 - 2021, chỉ tiêu đào tạo nghiên cứu sinh toàn quốc là 12.000 nhưng chỉ tuyển được 2.400 (khoảng 20%). Số lượng nghiên cứu sinh trúng tuyển giảm mạnh nhưng các trường lại rất yên tâm về chất lượng đầu vào.
Tuy nhiên, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2021 không yêu cầu bắt buộc nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế; cho phép các nghiên cứu sinh nghiên cứu từ 2017 chưa bảo vệ luận án tiến sĩ được áp dụng theo quy chế mới. Tôi cho rằng, công bố quốc tế không hẳn là điều gì ghê gớm, nhưng trong bối cảnh nước ta còn có sự dễ dãi trong công tác quản lý, thìviệc bắt buộc nghiên cứu sinh có bài báo công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế sẽ chứng minh sự liêm chính trong học thuật.
- Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, cần có sự điều chỉnh như thế nào trong công tác tuyển sinh và đào tạo, thưa ông?
- Điều tiên quyết là người học cần có sự chuẩn bị kỹ càng, có nền tảng kiến thức chắc chắn. Cách đây 20 năm, khi muốn làm nghiên cứu sinh thì phải thi, 10 người chỉ đỗ 1 - 2, thậm chí còn yêu cầu người dự thi phải có 8 - 10 năm công tác trong lĩnh vực đó. Quy chế hiện nay không yêu cầu khắt khe như trước, nhưng với Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi có hệ dự bị, nghiên cứu sinh sẽ có thời gian xác định đề tài nghiên cứu, bổ sung kiến thức còn thiếu và chuẩn bị về ngoại ngữ.
Thứ hai là nâng cao chất lượng đội ngũ người hướng dẫn. Việc yêu cầu người hướng dẫn cũng có công bố quốc tế là chính xác. Ví dụ, ở Đại học Quốc gia Hà Nội, hướng dẫn nghiên cứu sinh là giáo sư, phó giáo sư, nếu là tiến sĩ thì phải có năng lực xuất sắc, 3 năm liền phải là tác giả chính và có 1 công bố quốc tế trên tạp chí uy tín.
Thứ ba là quy trình quản lý tốt. Nghiên cứu sinh phải tham gia các nhóm nghiên cứu, báo cáo đề tài nghiên cứu tại các hội nghị, hội thảo… như một yêu cầu bắt buộc để có thêm nhiều góc nhìn trong nghiên cứu cũng như một cách công khai luận án nghiên cứu, tránh việc làm hộ, nghiên cứu giúp. Thứ tư là chuẩn đầu ra. Tất cả các điều kiện trên bảo đảm thì chuẩn đầu ra cũng nên quy định là chuẩn quốc tế. Đó mới là lẽ phải trong quá trình tiến hóa của đào tạo tiến sĩ.
Cuối cùng, chúng ta cần có cơ sở vật chất và kinh phí đầu tư cho đào tạo tiến sĩ. Đây là vấn đề then chốt. Ở nước ngoài, nghiên cứu sinh được coi là các nhà khởi nghiệp, được cấp học bổng cho nghiên cứu, trong khi ở Việt Nam nghiên cứu sinh phải đóng tiền. Chưa kể, để người học có công bố quốc tế,với nhóm ngành Khoa học tự nhiên, nghiên cứu sinh phải tham gia các hội thảo khoa học quốc tế, có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài để trao đổi học tập đòi hỏi kinh phí lớn. Với Khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu sinh cần học tập, thực địa, lấy số liệu cả vài năm mới có thể ra được số liệu đúng. Kinh phí cho đào tạo tiến sĩ không có khiến người học vừa đi làm vừa nghiên cứu, sẽ khó để chuyên tâm, tạo ra những đề tài thực sự chất lượng.
- Xin cảm ơn Giáo sư!