Theo Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) năm 2023 diễn ra trong 8 đợt từ 10.3 đến 4.6.2023 tại 16 địa điểm thi ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An... Số lượt thí sinh dự thi là 87.095/90.045 đăng ký, đạt tỷ lệ dự thi là 96,7%. Các thí sinh dự thi đến từ 55 tỉnh thành trong cả nước.
Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất, tiếp đó là Nam Định và Thái Bình. Thí sinh ở xa nhất đến từ Vĩnh Long, An Giang, Ninh Thuận, Đắc Nông.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, phổ điểm tổng của 8 đợt thi HSA năm 2023 có dạng phân bố chuẩn, đối xứng qua giá trị trung bình. Dải điểm thi không trải rộng trên toàn bộ thang điểm, từ mức 31/150 đến 133/150 điểm.
Thống kê kết quả thi năm 2023, điểm cao nhất của kỳ thi là 133/150; thấp nhất 31/150; điểm trung bình là 77,1/150; trung vị tại 77,0/150; độ lệch chuẩn là 14,0. Giá trị trung bình và trung vị gần nhau.
Điểm cao nhất thuộc về thí sinh đến từ Hưng Yên, nam sinh có điểm cao thứ hai đến từ Vĩnh Phúc đạt 129/150, nữ sinh đạt điểm cao thứ ba ở Thái Bình đạt 128/150, xếp thứ tư là thí sinh đang học tập ở Hà Nội với mức điểm 126/150.
Cả bốn thí sinh đứng đầu đều dự thi 2 lần, mức điểm lần thứ nhất (hoặc hai) đạt 113-119/150 điểm. Tiếp theo là 7 thí sinh cùng mức điểm 125, có 58 thí sinh đạt mức điểm ≥ 120.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN trong 3 năm liên tiếp trở lại đây là 80/150 điểm.
Tại hội nghị tổng kết, Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao học bổng cho các thí sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi HSA năm 2023.
Chia sẻ sau khi nhận học bổng, thí sinh Bùi An Huy trường THPT chuyên Hưng Yên, thủ khoa HSA với điểm 133/150 cho biết, em rất vui với điểm số của mình sau khi ra khỏi phòng thi nhưng cũng bất ngờ là mình đạt danh hiệu thủ khoa.
Nhận xét về bài thi Đánh giá năng lực, Bùi An Huy cho hay các câu hỏi cũng rất mới, nhất là phần đọc hiểu, bài thi Toán khá sát với đề thi tốt nghiệp THPT.
Được biết, Trần An Huy tham gia 2 đợt Đánh giá năng lực, đợt đầu tiên Huy được 113 điểm, lần thi thứ 2 em đã đạt số điểm cao nhất kỳ thi là 133/150, đoạt luôn danh hiệu thủ khoa. Trần An Huy đã đăng ký vào khoa Công nghệ thông tin của trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Trần An Huy được 27,2 điểm khối A1. So sánh đề thi HSA với đề thi tốt nghiệp THPT, Huy cho biết, phần kiến thức các môn xã hội, độ khó hơi thấp hơn đề thi tốt nghiệp. Phần Toán và phần khoa học cũng khá sát với kiến thức thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi yêu cầu học sinh phải tư duy nhiều hơn, phải liên kết các kiến thức với nhau để xử lý như bài đọc hiểu.
Theo Trần An Huy, ôn luyện đề thi HSA cũng giúp học sinh cân bằng các môn học, thay vì học thêm các môn khối như Toán, Lý thì cần phải học thêm cả các môn xã hội.
Còn Trần Bảo Ngọc học sinh THPT Bắc Kỳ Sơn - Thái Bình đạt 128/150 điểm cho biết, mỗi phương thức có một đặc điểm riêng. Bài thi Đánh giá năng lực (HSA) kiến thức trải dài các môn, các bạn phải chăm, có nền tảng kiến thức đủ tốt mới có thể đạt kết quả cao. Một lợi thế của kỳ thi là thi trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và rất nhiều trường sẽ dùng kết quả này để xét tuyển sớm.
Trần Bảo Ngọc đánh giá các câu hỏi trong bài thi đánh có sự đa dạng, cách hỏi rất hay, nhưng hơi khó.
"So với đề thi tốt nghiệp thì đề thi HSA có sự ổn định hơn. Kết quả thi HSA sát với việc học của học sinh hơn nhất là kiến thức môn Hoá có mức độ vận dụng cao mà vẫn trong khả năng học sinh có thể làm được. Môn Ngữ văn thì có ngữ liệu bên ngoài nên có thử thách một chút. Nói chung bài thi Đánh giá năng lực các bạn cần chăm và luyện nhiều đề là có thể làm được những câu vận dụng cao" - Ngọc chia sẻ.
Với số điểm 128/150, Trần Bảo Ngọc sử dụng để nộp xét tuyển vào ngành Kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương.
Bài thi HSA của ĐHQGHN hướng tới đánh giá năng lực học sinh phổ thông theo 3 nhóm chính: (i) Sáng tạo và giải quyết vấn đề; (ii) Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; (iii) Tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).
Cấu trúc bài thi HSA gồm 03 phần: Tư duy định tính (50 câu hỏi, 60 phút), Tư duy định lượng (50 câu hỏi, 75 phút), Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).