Sốt là một phản ứng cấp tính của hệ miễn dịch, tạo ra các chất trung gian hóa học của viêm, mà người ta cho rằng, các chất này chịu trách nhiệm tạo ra sốt bao gồm: các prostagladin, các cytokin và intereukin. Những chất trung gian này là chất làm sai lạc nhận cảm của hệ dưới đồi về thân nhiệt. Lẽ ra cơ thể đang ở nhiệt độ bình thường thì chúng lại cảm nhận là nhiệt độ thấp và tăng tốc tạo ra phản ứng sinh nhiệt nhằm nâng nhiệt cơ thể lên. Ngay lập tức, cơ thể sốt cao. Nhưng ngoài tác dụng không có lợi là gây ra sốt, các chất trung gian này rất có ích về mặt miễn dịch. Chúng thu hút và hấp dẫn bạch cầu (các tế bào có thẩm quyền miễn dịch) đến vị trí nhiễm khuẩn và thực hiện phản ứng. Hoạt động này như là một quá trình tập luyện cho hệ miễn dịch khỏe thêm. Vì thế, khi trẻ sốt không cao, bạn không cần phải can thiệp gì, hãy để cơ thể tập chống chọi với các phản ứng sinh học bất lợi.
Để dùng thuốc hạ sốt đúng và hiệu quả, cần lưu ý 4 nguyên tắc sau:
Dùng đúng thời điểm: chỉ nên dùng khi trẻ sốt từ 38,5oC trở lên. Từ 37,1oC - 38,4oC là mức độ sốt nhẹ, an toàn với trẻ và mang tính kích thích miễn dịch.
Dùng đúng loại thuốc: trẻ bị trớ thì dùng thuốc cao dán, thuốc viên đạn; trẻ bị tiêu chảy thì dùng thuốc cao dán và thuốc uống; trẻ có phát ban ở da thì không dùng miếng dán hạ sốt.
Dùng đúng liều: không nên dùng quá 2.000mg/ngày (4 viên 500mg) với người lớn và 1.000mg/ngày (4 gói 250mg) với trẻ em. Khi dùng cho trẻ em phải tính toán liều lượng hoặc theo chỉ định cụ thể của bác sỹ hoặc theo cân nặng trong hướng dẫn sử dụng thuốc.
Kết hợp đúng cách: trước hết, nên hạ sốt bằng các biện pháp vật lý như chườm mát (nước từ 25oC trở lên), lau nước mát. Sau đó nếu trẻ vẫn sốt thì cho uống thuốc hoặc kết hợp uống thuốc và lau mát. Nhớ là chỉ lau tối đa 3 lần trong cơn sốt. Lau lần 1 khô thì mới lau tiếp lần 2, lần 3.