16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022: Do quá nhiều bất cập và áp lực!

 Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, giáo viên nghỉ việc quá nhiều là do nhiều nguyên nhân nhưng lý do chính là lương quá thấp và áp lực lớn.

Trong báo cáo gửi tới Đại biểu Quốc hội về hoạt động giáo dục năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết biết, năm 2022 có khoảng 16.000 xin nghỉ việc gây  ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.

Bên cạnh đó, hiện cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên mầm non, phổ thông; thiếu giáo viên một số môn học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn tiếng Anh, tin học đối với cấp tiểu học và môn âm nhạc, mỹ thuật đối với THPT.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với TS.Hoàng Trung Học - Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục về việc nguyên nhân vì sao giáo viên nghỉ việc nhiều như hiện nay.

16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022: Do nhiều bất cập và áp lực -0
Giáo viên mầm non, tiểu học có khi phải làm việc đến 12 tiếng/ngày (Ảnh: Nguyễn Thuỳ)

Nghề giáo bị phai nhạt?

Thưa ông, 16.000 giáo viên nghỉ việc trong vòng 1 năm nói lên điều gì?

- Đây là một xu hướng cần được nghiên cứu và suy nghĩ nghiêm túc vì nó phản ánh nhiều vấn đề về công việc của nhà giáo và ngành giáo dục. Cụ thể:

Công việc sư phạm đang trở nên kém hấp dẫn người lao động.

Giá trị nghề nghiệp của nhà giáo bị sụt giảm; vị thế của người thầy không được coi trọng trong xã hội như xưa.

Lòng yêu nghề, yêu trẻ và lý tưởng nghề nghiệp ở một bô phận không nhỏ nhà giáo bị phai nhạt. Nghề sư phạm ngày càng trở thành một công việc mưu sinh hơn là một lý tưởng để cống hiến.

Giáo viên đang bị nhiều sức ép trong công việc. Trong thực tế xã hội, việc có nhiều lựa chọn về công việc đã thúc đẩy một bộ phận nhà giáo quyết đoán hơn trong việc thay đổi sự nghiệp của bản thân. Việc quản lý và đổi mới giáo dục ít nhiều có tác động không mong muốn đến đội ngũ nhà giáo.

Xu hướng dịch chuyển lao động, chảy máu chất xám từ lĩnh vực sư phạm sang các ngành nghề khác. Đây đều là những dấu hiệu rất đáng báo động cho các nhà quản lý và ngành giáo dục.

Hậu quả lâu dài

Giáo viên xin nghỉ việc có phải một xu hướng đáng lo ngại?

- Như trên đã nói, con số hơn 16.000 giáo chức xin nghỉ việc (chỉ chiếm hơn 1% giáo viên trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân) có vẻ không nhiều nhưng lại là dấu hiệu đáng lo ngại. Điều này có thể thúc đẩy một loạt các vấn đề trong ngành giáo dục và để lại hậu quả lâu dài.

Trước hết, nó có thể gây mất cân đối về nhân lực trong một lĩnh vực có số lượng viên chức đông nhất (hơn 1,4 triệu người). Hiện tại, ngành giáo dục đang thiếu khoảng 100.000 giáo viên, đấy là chưa kể đến hiện tượng thừa, thiếu mang tính cục bộ tồn tại trong ngành trong suốt thời gian qua.

Khi đội ngũ nhà giáo vừa thiếu, lại bị hao hụt thêm hàng năm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các nhà trường trong việc tổ chức hoạt động giáo dục. Điều này sẽ tiếp tục gây sức ép lên các nhà giáo đang làm việc.

Thứ 2, xu hướng xin nghỉ việc, chuyển việc ở đội ngũ nhà giáo có thể sẽ không dừng lại và sẽ trở nên trầm trọng hơn. Xu hướng này có thể gây ra một phản ứng dây chuyền, có ảnh hưởng rất tiêu cực đến đội ngũ nhà giáo đang cống hiến, đặc biệt là những nhà giáo có kinh nghiệm và chuyên môn tốt.

Thứ 3, khi vị thế nghề nghiệp của các nhà giáo không được coi trọng đúng mức, khi lý tưởng nghề nghiệp bị phai nhạt, khi những sức ép nghề nghiệp trong nghề sư phạm quá ngưỡng chịu đựng có thể dẫn đến xu hướng thích ứng tiêu cực.

Xu hướng tự vệ nghề nghiệp theo kiểu: chịu đựng, làm cho xong, thiếu trách nhiệm trong công việc, luôn nghĩ cách đảm bảo an toàn cho mình dẫn đến thiếu sáng tạo sẽ trở nên phổ biến.

Một số nhà giáo khác lại làm việc trong tâm trạng khó chịu, mệt mỏi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của lao động sư phạm và có thể gây ra một số “tai nạn nghề nghiệp”.

Vì vậy, theo tôi, xu hướng này rất đáng lo ngại và vấn đề không dừng lại ở con số 16.000 nhà giáo xin nghỉ việc hàng năm.

16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022: Do nhiều bất cập và áp lực -0
TS Tâm lý Hoàng Trung Học

Gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc

Vậy thưa tiến sĩ, nguyên nhân chính của xu hướng nghỉ việc ở bộ phận giáo viên?

- Xu hướng đáng buồn này bắt nguồn từ một hệ nguyên nhân phức tạp.

Trước hết, tác động mạnh đến đội ngũ nhà giáo là thu nhập. Mức lương hiện tại của nhà giáo chưa đảm bảo cho mức sống tối thiểu, đặc biệt là ở những giáo viên mới vào nghề ở bậc học mầm non, tiểu học.

Xã hội đã thay đổi, mức sống đã nâng lên, con người cũng có nhu cầu vật chất cao hơn. Họ sẽ có xu hướng tiêu dùng cao hơn và không bằng lòng với mức thu nhập dưới mức tối thiểu. Đấy là điều bình thường! Đặc biệt, khi đối sánh với những lĩnh vực lao động khác với mức lương cao hơn, cơ hội kiếm việc lại dễ dàng hơn, sức ép ít hơn sẽ tác động trực tiếp đến sự gắn bó với nghề của nhà giáo.

Nói cách khác, thầy/cô cũng là con người, cần phải đảm bảo những nhu cầu tối thiểu trong đời sống mới thực sự an tâm, cống hiến với nghề được.

Kế tiếp, theo nghiên cứu và quan sát của chúng tôi, áp lực nghề nghiệp hiện tại của các nhà giáo rất nặng nề. Đặc biệt là ở giáo viên mầm non và tiểu học. Áp lực đầu tiên đến từ chính đặc trưng công việc. Giáo viên mầm non, tiểu học có khi phải làm việc đến 12 tiếng/ngày.

Giáo viên THCS và THPT lại gặp những áp lực đến từ chính học sinh và chuyên môn. Học sinh bây giờ thái độ và tinh thần hợp tác, tiếp nhận các tác động giáo dục cũng khác ngày xưa nhiều lắm!

Không chỉ vậy, giáo viên cũng đang phải chịu quá nhiều sức ép từ các loại giấy tờ, sổ sách, họp hành, tập huấn; sức ép thành tích và các hoạt động mang tính hình thức khác.

Nhiều cuộc thi hiện tại mang nặng tính “trình diễn” (ví dụ hội thi giáo viên dạy giỏi) cũng góp phần gia tăng áp lực cho thầy/cô. Chúng tôi vẫn nói nếu như thầy cô dạy tiết nào cũng như những tiết trong hội giảng thì chất lượng giáo dục đã khác xa rồi! Thực tế thì mỗi giáo viên dạy được bao nhiêu tiết “tròn trịa” như trong hội giảng? Những cuộc thi như thế không thực sự giúp củng cố hoạt động giáo dục thường xuyên, nhưng lại khiến giáo viên cảm thấy vô cùng mệt mỏi và áp lực.

Thực hiện chương trình mới cũng là nguyên nhân gây ra vấn đề. Việc thực hiện chương trình giáo dục mới như hiện nay cũng trực tiếp gây ra áp lực cho hai nhóm giáo viên.

Trước hết là các thầy cô lớn tuổi, có xu hướng khó thích ứng cái mới về phương pháp, khó khăn trong áp dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giáo dục. Đối với nhóm giáo viên trẻ, mới vào nghề, họ có thể không gặp vấn đề về khả năng thích ứng nhưng lại gặp áp lực về chuyện “cơm áo gạo tiền”.

Đặc biệt với những người trẻ tuổi, khi các nhu cầu vật chất có xu hướng gia tăng, khi họ thấy phải làm một loạt công việc áp lực, phức tạp với mức lương không đảm bảo, thì họ có thể sẽ lựa chọn bỏ nghề.

Giáo viên chưa được hỗ trợ những công cụ hữu hiệu để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục cũng là nguyên nhân gây ra áp lực. Hiện nay, chương trình, triết lý giáo dục mới hướng đến giáo dục học sinh bằng tình yêu thương, lấy học sinh làm trung tâm, cấm bạo lực... hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên thừa nhận, họ chưa có các công cụ nghề nghiệp cần thiết để thực hiện điều này. Việc phải dạy học sinh như thế nào theo triết lý mới? Phải kiểm tra, đánh giá học sinh như thế nào cho tốt nhất? Phải sử dụng những công cụ giáo dục nào để thực sự giáo dục bằng tình yêu thương, đặc biệt với những học sinh chống đối, chưa ngoan?... thực sự là vấn đề lớn.

Trước tình trạng này, giáo viên cảm thấy hoang mang vì họ có cảm giác càng sáng tạo, càng đổi mới họ sẽ có nguy cơ làm gì cũng sợ sai.

Ngày nay, áp lực cho giáo viên còn đến từ chính phụ huynh và xã hội. Nhận thức của phụ huynh về vai trò, vị thế của người thầy rất khác xưa. Đôi khi phụ huynh, dư luận không dành cho giáo viên sự trân trọng ở mức cần thiết.

Khi sàng lọc bằng trắc nghiệm, chúng tôi thấy, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc, 35-40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc, và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm.

Tỷ lệ này đặc biệt cao ở giáo viên mầm non, sau đó lần lượt đến giáo viên bậc tiểu học, THCS và cuối cùng là THPT. Như vậy, dưới góc độ khoa học có thể thấy được áp bên ngoài đã chuyển hóa thành những dấu hiệu căng thẳng tâm lý bên trong ở giáo viên.

Gốc rễ phải giải quyết cho giáo viên là vấn đề thu nhập

- Quá nhiều áp lực và bất cập cho giáo viên như vậy, chúng ta nên bắt đầu tháo gỡ từ đâu thưa tiến sĩ?

Để giải quyết áp lực cho giáo viên và “giữ chân” những giáo viên giỏi cần những giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài.

Tôi vẫn cho rằng gốc rễ phải giải quyết cho giáo viên vấn đề thu nhập. Họ phải đảm bảo được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Nếu không, giáo viên buộc phải bỏ nghề hoặc làm thêm.

Một số giáo viên bán hàng online, làm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập chẳng có gì xấu, trong quá khứ cũng đã xảy ra, nhưng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

Chúng ta đừng nghĩ mức lương trung bình 5-7 triệu đồng/tháng là với giáo viên cao. Bởi công nhân lao động phổ thông hiện nay cũng đã có thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng rồi. So sánh như vậy để thấy thu nhập của giáo viên thấp đến mức nào.

Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục cấp trường, phòng, sở, bộ phải ngồi lại với nhau để rà soát công tác quản lý giáo viên và hãy luôn suy nghĩ để cắt giảm hơn nữa những cuộc thi không cần thiết, những sổ sách hành chính, những nhiệm vụ kiêm nhiệm không thật cần thiết đang chi phối giáo viên.

Hãy rũ bỏ tất cả những thủ tục hành chính làm giáo viên thêm mệt mỏi, để các thầy cô được thực sự “tự do” và dành thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một cách rất cụ thể các hướng dẫn, công cụ để giúp giáo viên thực sự nắm rõ và thực hiện tốt chương trình mới. Toàn bộ xã hội, truyền thông cần nhìn nhận, đánh giá và dành cho thầy cô sự tôn trọng nghề nghiệp ở mức độ cần thiết. Ghi nhận, dành cho thầy cô sự trân quý, cũng là cách để họ có động lực cống hiến.

Cuối cùng, bản thân mỗi nhà giáo và nhà trường cũng phải làm công tác tư tưởng để sốc lại tinh thần, thay đổi tư duy làm giáo dục cho giáo viên trong giai đoạn mới, ứng phó với những thách thức và khó khăn mới.

Có nhận thức đúng những thách thức nghề nghiệp, có kỹ năng ứng phó, nhà giáo mới làm tốt công tác giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô
Giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô

Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ chuỗi dự án vì cộng đồng “Một Triệu Bữa Cơm Có Thịt”, tại trường Tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, Lạng Sơn, CHIN-SU đã phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo Vùng cao và các nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp mang đến “chảo cơm có thịt khổng lồ”. Đây là một hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tiếp sức học trò và tiếp lửa thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đạo làm thầy
Giáo dục

Đạo làm thầy

Mỗi người chúng ta đã một thời là học trò và cũng có người đã là thầy. Những người làm thầy, dù mới ra trường hay đã có mấy chục năm trong nghề vẫn bâng khuâng nhớ tới những kỷ niệm của tuổi học trò, nhớ tới những người thầy với tất cả tình cảm thiêng liêng, trân quý và biết ơn sâu lắng nhất.

Bức thư viết tay xúc động của cô giáo vùng cao gửi đồng nghiệp nơi đảo xa
Giáo dục

Bức thư viết tay xúc động của cô giáo vùng cao gửi đồng nghiệp nơi đảo xa

"Giữa chốn ngút ngàn trùng khơi quanh năm chập chùng sóng vỗ, em biết anh chị đã phải đương đầu với khó khăn thử thách, những thiếu thốn tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày như nước ngọt, điện thắp sáng... nhưng em biết rằng, anh chị vẫn kiên trì bám đảo để tiếp tục ươm mầm xanh cho nơi vùng biển mặn mòi xa xôi của Tổ quốc".

ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Chamaléa Thị Thủy phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
Quốc hội và Cử tri

Quan tâm trước đến đến nhà giáo làm việc ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn

Thảo luận tại hội trường sáng nay, 20.11 về dự án Luật Nhà giáo, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Chamaléa Thị Thủy thống nhất với chủ trương luôn xem giáo dục là quốc sách trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước; việc chăm lo về chế độ, chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng. Đồng thời, đại biểu cho rằng quan tâm trước đến đội ngũ nhà giáo đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; giáo viên mầm non; giáo viên dạy cho các đối tượng khuyết tật.

Đắk Lắk: Sôi nổi hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam
Địa phương

Đắk Lắk: Sôi nổi hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Hướng tới kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, văn hóa, văn nghệ, tạo sân chơi thiết thực, ý nghĩa và bổ ích nhằm tôn vinh, tri ân công lao của các thầy, cô giáo, tăng cường tình cảm gắn kết giữa thầy và trò.