Dinh dưỡng hợp lý là vấn đề then chốt giúp duy trì cân nặng, kiểm soát đường huyết, tránh các biến chứng: tăng hay hạ đường huyết cho người bệnh; chính vì vậy, nhằm ổn định đường huyết thì người bệnh đái tháo đường nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
1. Nên ăn ổn định số lượng glucid (chất bột đường) trong các bữa ăn phù hợp với mình, biết thay thế thức ăn giàu tinh bột.
2. Lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (<55%), cần phối hợp các thực phẩm có nhiều chất xơ. Các thực phẩm có nhiều chất xơ như gạo lứt, bánh mỳ đen, rau, củ,… mỗi ngày ăn từ 300g - 500g rau.
3. Tránh những bữa ăn lớn, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu đường huyết kiểm soát không tốt, nên ăn ba bữa chính và có thêm ít nhất một bữa phụ.
4. Giữ đúng giờ ăn theo lịch. Không bỏ bữa ăn ngay cả khi ốm hoặc cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn, nên thay thế bằng thức ăn phù hợp.
5. Tránh ăn và/hoặc uống các thực phẩm nhiều đường, đường hấp thu nhanh như đường kính, đường mật, mật ong, các loại mứt, quả chín khô, kẹo, socola, nước ngọt đóng chai.
6. Ăn hạn chế các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều mỡ, cholesterol (thịt mỡ, mỡ, bơ, phủ tạng động vật…). Nên ăn các thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe như đậu phụ, vừng lạc, cá…
Ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật và ở dạng trộn nộm, salad. Hạn chế các món xào nhiều dầu hoặc mỡ, các món rán, nướng…
7. Cố gắng ăn giảm lượng muối, gia vị chứa muối đến mức có thể chấp nhận, đặc biệt khi bị tăng huyết áp, suy thận.
8. Cố gắng hạn chế sử dụng các thức uống có cồn như rượu, bia.
9. Nên duy trì cân nặng “nên có”.
10. Nên đi khám sức khỏe định kỳ hoặc theo hẹn của bác sĩ.