Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019

Giao dự toán thu, chi không sát

- Thứ Năm, 22/07/2021, 12:14 - Chia sẻ
Trong Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày trước Quốc hội sáng nay, 22.7, cho biết, tuy kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm, sai phạm ở cả 3 khâu của chu trình ngân sách chưa được khắc phục triệt để như: giao dự toán thu, chi không sát; phân bổ vốn đầu tư chậm; các khoản thu quan trọng không đạt dự toán; kê khai thiếu thuế phải nộp vẫn diễn ra; giải ngân vốn đầu tư chậm; chi sai chế độ, định mức....

Bội chi ngân sách nhà nước bằng 2,67% GDP

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, nêu rõ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách năm 2019 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.139.639,446 tỷ đồng, trong đó số thu ngân sách nhà nước theo dự toán là 1.553.611,589 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2018 sang năm 2019 là 434.356,624 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2018 là 150.570,478 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước là 1.100,755 tỷ đồng; tổng số chi cân đối Ngân sách nhà nước là 2.119.541,763 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách nhà nước theo dự toán là 1.526.892,949 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2020 là 592.648,814 tỷ đồng; Bội chi ngân sách nhà nước 161.490,730 tỷ đồng, bằng 2,67% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 177.193,703 tỷ đồng). Số liệu trên chưa điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên đồng thời tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 của Bộ Tài chính 2.240,21 tỷ đồng.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019

Ảnh: Quang Khánh 

Kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, tổng hợp kết quả kiểm toán của 235 báo cáo kiểm toán trong năm 2020 đối với niên độ ngân sách năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng, trong đó, tăng thu 5.103 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 13.247 tỷ đồng; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 205 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí.

 Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó số kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2019 là: 61.761 tỷ đồng. Báo cáo Quốc hội việc thực hiện dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng vượt 21.742 tỷ đồng; trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 của Bộ Tài chính 2.240,2 tỷ đồng để quyết toán trong năm 2019 là 1.065,3 tỷ đồng, chuyển nguồn sang năm 2020 là 1.174,9 tỷ đồng.

Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính: tổ chức rút kinh nghiệm việc lập báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 chậm so với quy định; Nghiên cứu xây dựng: cơ chế nộp và tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước đối với số chênh lệch thu chi từ hoạt động nghiệp vụ ngân quỹ; quy định, hướng dẫn về phương pháp, cách thức tính và lập dự toán hỗ trợ bổ sung có mục tiêu để bù mặt bằng chi cho ngân sách địa phương. Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ: Giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương cho một số dự án tại các địa phương chưa phù hợp phạm vi, đối tượng của Chương trình 266,397 tỷ đồng; Bổ sung vốn dự phòng ngân sách trung ương chậm dẫn đến các địa phương không thể triển khai phân bổ được trong năm 2018 nên phải kéo thời hạn giải ngân đến hết 31.12.2020 số tiền 2.097 tỷ đồng; Bố trí dự toán năm cho các dự án chưa đủ điều kiện (dẫn đến dự toán chi đầu tư phát triển chưa phân bổ là 16.861,168 tỷ đồng); giao kế hoạch vốn chậm, nhiều lần sau thời điểm 20.12.2018 chưa phù hợp với quy định tại khoản 6, Điều 66, Luật Đầu tư công.

Cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách

Theo Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày, năm 2019, kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, trong nước có nhiều khó khăn do thiên tai, biến đổi khí hậu. Nhưng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép. Tuy kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm, sai phạm ở cả 3 khâu của chu trình ngân sách chưa được khắc phục triệt để như: giao dự toán thu, chi không sát; phân bổ vốn đầu tư chậm; các khoản thu quan trọng không đạt dự toán; kê khai thiếu thuế phải nộp vẫn diễn ra; giải ngân vốn đầu tư chậm; chi sai chế độ, định mức... Một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao như: Đổi mới cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại hoạt động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm; điều chỉnh chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế để cơ cấu lại ngân sách nhà nước chưa bảo đảm yêu cầu... Chính phủ cần nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường nêu rõ.    

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Ảnh: Quang Khánh 

 Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ, có giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, xử lý dứt điểm các kiến nghị chưa được thực hiện từ năm 2018 về trước. Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa hoặc không thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tiễn. Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các quỹ, không trùng lặp nhiệm vụ của ngân sách nhà nước, tránh lãng phí, dàn trải và phân tán nguồn lực của nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước so với quy định hiện hành để có thể trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm hiện hành vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, bảo đảm thực hiện tốt vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, Chính phủ cần có giải pháp để khắc phục những bất cập tồn tại trong quản lý điều hành ngân sách đã nêu trong báo cáo thẩm tra đặc biệt lưu ý đến việc cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách; xác định phân cấp ngân sách phù hợp để tăng tính chủ động cho các địa phương nhưng phải đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ lập, phân bổ, giao dự toán đến thực hiện và quyết toán; rà soát lại chính sách nếu bất cập cần kiến nghị sửa đổi để quản lý chặt chẽ, hiệu quả các khoản chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương; tiếp tục tăng cường kiểm soát bội chi, nợ công ngoài việc khống chế trong giới hạn cho phép phải tính cả khả năng vay và khả năng trả nợ để giữ gìn tín nhiệm quốc gia và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Đối với các vấn đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra đã nêu liên quan đến việc cần phải xác định rõ trách nhiệm dẫn đến các sai phạm, bất cập, hạn chế, đề nghị Chính phủ rà soát và xử lý theo quy định.

 Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 với số liệu cụ thể như sau: Điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, tăng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 của Bộ Tài chính 2.240,21 tỷ đồng.  Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.139.639.446 triệu đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.119.541.763 triệu đồng; Bội chi ngân sách nhà nước là 161.490.730 triệu đồng, bằng 2,67% GDP. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 123.312.361 triệu đồng; vay ngoài nước 38.178.369 triệu đồng.

Hoàng Ngọc