Giao dịch bằng tiền mặt qua kho bạc hầu như không còn

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 06:49 - Chia sẻ
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và phối hợp thu, số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) hiện chỉ chiếm 0,71%, số chi bằng tiền mặt chiếm 1,1%. Không dừng lại ở đó, trong năm nay, KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống theo hướng giảm mạnh việc chi tiền mặt trực tiếp.

Hiện đại hóa thu - chi

Theo báo cáo của KBNN, năm 2020, số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chiếm 0,71% so với tổng thu qua KBNN (giảm 0,1% so với cuối năm 2019); số chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua KBNN chiếm 1,1% so với tổng chi qua KBNN (giảm 1,42% so với cuối năm 2019). Ngay cả các giao dịch của những cá nhân nhỏ lẻ liên quan đến những khoản thu như nộp phạt hành chính, phạt vi phạm giao thông, lệ phí trước bạ nhà đất... cũng hầu như được thực hiện bằng các hình thức điện tử.

	Kho bạc ngày càng vắng bóng khách hàng Nguồn: ITN
Kho bạc ngày càng vắng bóng khách hàng
Nguồn: ITN

Đại diện Vụ Pháp chế (KBNN) cho biết, có được kết quả này do thời gian qua, KBNN thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp và các đơn vị giao dịch sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ các khoản thanh toán bằng tiền mặt.

Cùng với đó, KBNN đã mở rộng mạng lưới tài khoản chuyên thu, đẩy mạnh phối hợp thu và ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước cho các ngân hàng thương mại với nhiều hình thức đa dạng (ủy nhiệm thu thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính), đặc biệt là việc ủy nhiệm thu bằng tiền mặt.

KBNN cũng đã phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại triển khai dự án hiện đại hóa thu ngân sách nhà nước để chia sẻ dữ liệu thu và tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng điện tử như: chuyển khoản, Internet banking, Mobile banking, ATM hoặc qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và nộp 24/7. Điều này vừa tạo thuận lợi vừa khuyến khích người nộp thuế nộp ngân sách nhà nước theo phương thức điện tử.

Đặc biệt, KBNN đã chủ trì trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Tại Nghị định này có bổ sung quy định về việc nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo phương thức điện tử qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, qua ứng dụng điện tử của các ngân hàng thương mại. Nhờ đó, vừa tiết kiệm thời gian cho người nộp, vừa tăng cường tính minh bạch trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước.

Tiến tới "kho bạc không có bạc"

Trên cơ sở kết quả đã đạt được và tiếp tục hướng tới mục tiêu "kho bạc 3 không" - không tiền mặt, không giấy tờ, không khách hàng giao dịch, trong năm 2021, KBNN sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Thông tư số 13/2017/TT-BTC và Thông tư số 136/2018/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN theo hướng giảm mạnh việc chi tiền mặt trực tiếp tại KBNN.

Trong đó, đặc biệt tập trung rà soát lại các nội dung được phép chi bằng tiền mặt, mức giá trị tối thiểu của khoản chi được phép chi bằng tiền mặt, mức tối thiểu các khoản chi bằng tiền mặt bắt buộc phải rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại. Nghiên cứu, bổ sung quy định các đơn vị sử dụng ngân sách được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại nơi thuận lợi cho đơn vị để rút tiền mặt đối với các khoản chi ngân sách bằng tiền mặt đã được KBNN kiểm soát chi và chuyển tiền về.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán qua thẻ tín dụng mua hàng; thực hiện kiểm soát, thanh toán tự động đối với các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ sử dụng trước thanh toán sau (điện, nước, viễn thông…). Đồng thời, mở rộng phạm vi đối tượng bắt buộc thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản đối với các đối tượng hưởng lương từ nguồn phí để lại, thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập (không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) và các cá nhân hưởng phụ cấp, trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.

Hà Lan