Giành thắng lợi từ thế và lực
Quy luật của chiến tranh là “mạnh được yếu thua”. Thế tạo đà cho lực, thế nâng lực lên kết hợp cùng mục tiêu chiến lược kiên định, sách lược linh hoạt để có thời gian chuẩn bị mọi mặt, nắm vững thời cơ phát động toàn quốc kháng chiến là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành được thắng lợi. Bài học đó còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Đây là kết luận được nhấn mạnh tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Toàn quốc kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập tự do và bài học lịch sử (19.12.1946 - 19.12.2016), sáng 25.11. do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.
“Tạo lực, lập thế, tranh thời”
Cách đây 70 năm, vào đêm 19.12.1946, với ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Tiếng súng toàn quốc kháng chiến thể hiện sự tiếp nối truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mở đầu thiên anh hùng ca bất diệt của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh. Là người tham gia cách mạng tháng Tám năm 1945, cán bộ tiền khởi nghĩa, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhớ lại: Khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát hiệu lệnh “đèn tắt thì đại bác nổ súng”. Tại làng Tây Mỗ, đúng 20h30 ngày 19.12.1946 khi điện vừa tắt, đại bác từ phố Pháo Đài Láng gầm lên, cảm xúc sâu sắc nhất là lúc nghe Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Nó như lời hịch, xúc động vô cùng! “Lúc đó toàn bộ chiến sĩ chúng tôi vừa đi vừa hát Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến... Tôi ở cương vị Chính trị đại đội, lời kêu gọi của Bác như áng hùng văn tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi chiến đấu vì cuộc chiến tranh chính nghĩa. Khi buộc phải kháng chiến, đã đủ thế và lực, Bác kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến khẳng định quyết tâm của nhân dân ta dù hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng, phát động Toàn quốc kháng chiến là cả một quá trình chuẩn bị thế và lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. “Chúng ta có thế mạnh của sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp lực cả dân tộc nhất tề đứng lên chiến đấu giữ nước với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đoàn kết một lòng, đồng tâm khắc phục mọi khó khăn, thử thách, tập trung xây dựng nhà nước của nhân dân, vì nhân dân, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, tiến hành đấu tranh chống “thù trong, giặc ngoài”, kháng chiến ở miền Nam, đối phó quân Tưởng ở miền Bắc, tìm cơ hội để tránh cuộc chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, đưa dân tộc vượt qua tình thế hiểm nghèo “nghìn cân treo sợi tóc”. Phân tích sâu hơn, Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Bạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: Thời cơ là lực lượng. Quy luật của chiến tranh là “mạnh được yếu thua”, ngoài sức mạnh vốn có, muốn tạo thêm sức mạnh thì phải biết “tạo lực, lập thế, tranh thời”. Thế tạo đà cho lực, thế nâng lực lên vận dụng vào thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định mục tiêu chiến lược, linh hoạt trong sách lược để có thời gian chuẩn bị mọi mặt, nắm vững thời cơ phát động toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành được thắng lợi.
Xây dựng nội lực vững mạnh
70 năm đã trôi qua, bài học từ những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tiếp nối thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Tinh thần của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thế và lực như vẫn còn nguyên giá trị. Theo PGS.TS. Vũ Như Khôi, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ý chí và hành động đánh giặc cứu nước của dân tộc ta đã để lại bài học quý, là điều cảnh báo cho các thế lực xâm lược. Khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng thì cả dân tộc ta sẽ đứng lên chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc. “Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều phức tạp, chúng ta kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đó là sự tiếp nối lời thề thiêng liêng của dân tộc từ những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc trước đây” - PGS.TS. Vũ Như Khôi khẳng định.
Trung tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định: 70 năm đã trôi qua, song sự kiện mở đầu toàn quốc kháng chiến vẫn mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, lòng quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của nhân dân, của dân tộc và Quân đội ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng hôm nay, nhìn lại thế và lực từ những năm tháng quân và dân ta hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chúng ta đúc kết được bài học muốn hội nhập và hợp tác quốc tế về quốc phòng hiệu quả, cần xây dựng nội lực mạnh, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.