Giãn dân đô thị

- Thứ Tư, 27/10/2021, 05:56 - Chia sẻ
Khi dịch Covid-19 phức tạp, giãn dân để giãn cách là một giải pháp khả thi đã được thực hiện để hạn chế lây nhiễm ở khu vực mật độ dân cư quá đông. Trong bối cảnh bình thường mới, việc giãn dân được nhiều địa phương nhìn nhận là phương án cần thực hiện cấp bách vì mục tiêu bảo đảm chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là người lao động, công nhân đang làm việc tại các đô thị.

Ngày 26.8, khi đưa ra quyết định giãn dân ở những khu nhà lưu trú, nhà trọ lụp xụp, chật chội, có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19 đến nơi tạm cư thoáng rộng, sạch sẽ nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đặt vấn đề về việc thành phố sẽ phải tính toán lại quy hoạch bộ mặt đô thị gắn với mật độ nhà ở, khu dân cư, nhất là của bộ phận người nghèo, người thu nhập thấp.

Ngày 14.10, tại Hội nghị Thành ủy TP. Hồ Chí Minh lần thứ 9, vấn đề nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc xây dựng nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, giãn dân tại các khu vực có điều kiện sống không bảo đảm được thành phố coi là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận, thành phố đón một lượng lớn người lao động đến góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa có sự đầu tư đúng mức. Thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện tốt hơn, sẽ phát triển nhà ở với giá thấp nhất có thể, để công nhân dễ tiếp cận, qua đó thay thế các chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, cải thiện các khu nhà trọ ẩm thấp hiện nay. Đây là một trong những việc chính quyền thành phố đã thấy, cần phải làm ngay.

Trước đó, tháng 3 vừa qua, Hà Nội vừa công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng làm cơ sở triển khai việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, bảo đảm chất lượng và tiện nghi sống cho người dân.

Thời gian qua, cả Hà Nội lẫn TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chương trình phát triển nhà ở dựa trên cơ sở chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, di dời nhà ở ven và trên kênh rạch... Các chương trình này đạt một số kết quả nhất định, góp phần vào việc chỉnh trang đô thị tại thành phố. Tuy nhiên, hầu hết các dự án nhà ở này đều ở khu nội thành hiện hữu nên quỹ đất hẹp.

Chủ trương giãn dân ra khỏi nội đô cũng không hề dễ dàng. Thực tế, chủ trương này đã được Hà Nội định hướng từ cách đây hơn 20 năm nhưng dân số tại các quận nội đô trong những năm qua không những không giảm mà còn tăng tới 1,2 triệu người. Rõ ràng, ngoài việc đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn về việc dành quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở thì còn phải phù hợp với mức thu nhập của người nghèo, đặc biệt là tạo thuận lợi cho người dân, tạo sinh kế cho người dân tại nơi ở mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang chịu nhiều sức ép về dân số, hạ tầng giao thông và đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nên cần đẩy nhanh tiến trình giãn dân để giảm áp lực. Nhưng muốn giãn dân đạt hiệu quả thì cần đẩy nhanh phát triển các đô thị vệ tinh để kéo giãn dân về vùng ven giúp giảm tải cho khu vực trung tâm và di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường đại học, trụ sở bộ ngành ra khỏi nội đô. Ngoài ra, giao thông kết nối từ trung tâm thành phố tới các khu ven đô, thành phố vệ tinh phải thuận tiện.

Phải xác định rõ cư dân là tâm điểm của quá trình phát triển và cho người dân thấy được sự di dời là quyết định xứng đáng cho chính tương lai của họ.

Duy Anh