Các mô hình hợp tác xã ở tỉnh Kiên Giang

Giảm vật tư đầu vào và thực hiện tốt các khâu dịch vụ

- Thứ Ba, 27/10/2020, 09:56 - Chia sẻ
Các mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã giúp các thành viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm vật tư đầu vào và thực hiện tốt các khâu dịch vụ, ước tổng số tiền làm lợi cho các thành viên mỗi vụ trên 900 tỷ đồng.

Từng bước áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch

Với mục đích giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống với mô hình nuôi tôm sú, tôm càng xanh, hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp ấp Căn Cứ (xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận) đã chủ động tìm gặp kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông nhằm tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, sau đó cùng các hộ nuôi tôm tiến hành xử lý ao nuôi bằng vôi để rửa phèn, điều tiết độ mặn… Sau một thời gian, những cánh đồng ngập mặn cỏ mọc um tùm đã biến thành những vuông nuôi tôm quy mô lớn. Ông Nguyễn Văn Dậu, Giám đốc HTX Căn Cứ thông tin, đến nay, Vĩnh Thuận hiện có khoảng 23.000 ha đất luân canh lúa - tôm, trong đó khoảng 80% diện tích nuôi xen canh tôm thẻ với tôm càng xanh. Sản lượng tôm bình quân hàng năm đạt từ 13.000-15.000 tấn.

Theo thu hoạch thực tế của nông dân, 1 ha nuôi theo mô hình “tôm xen tôm” sẽ cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình nuôi 1 vụ tôm càng xanh xen tôm thẻ với 1 vụ lúa, huyện Vĩnh Thuận đã quy hoạch mô hình này ở các xã nằm ven sông Cái Lớn, với tổng diện tích gần 10.000 ha.

Tương tự, thời gian qua, các HTX trồng hồ tiêu ở huyện Giồng Riềng đã và đang từng bước áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản (VietGAP); tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các nông sản (GlobalGAP). Từ đó, giúp sản phẩm hồ tiêu vừa tăng năng suất, chất lượng ổn định, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Có thể kể đến HTX Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú (xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng) với 72 thành viên chuyên sản xuất tiêu trên tổng diện tích 52 ha; trong đó có 20 ha của 20 thành viên áp dụng quy trình sản xuất hồ tiêu sạch, xử lý phân thuốc hữu cơ theo quy định. Đến năm 2018, có 20 ha trồng hồ tiêu của HTX Hòa Phú được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, HTX Hòa Phú cung ứng cho thị trường hồ tiêu thương phẩm chất lượng cao với sản lượng hơn 180 tấn/năm.

Là thành viên của HTX Hòa Phú, ông Nguyễn Văn Thép (ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa) cho biết, với 1,4 ha trồng hồ tiêu theo quy trình VietGAP, thời điểm giá hồ tiêu lên tới 230.000 đồng/kg, lợi nhuận nhờ trồng hồ tiêu của gia đình đạt khoảng gần 500 triệu đồng/năm. Năm nay, do giá cả hồ tiêu bấp bênh, thời điểm vụ mùa vừa qua, dù giá hồ tiêu là 60.000 đồng/kg nhưng lợi nhuận cũng đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Sản lượng tôm của HTX Căn Cứ đạt 13.000-15.000 tấn/ năm  

Nguồn: ITN 

Phát triển dịch vụ sản xuất 

HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa (xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành) hiện có 138 thành viên, số lượng lao động là 60 người. HTX hoạt động với diện tích tự nhiên 360,75 ha.

Ngay từ ban đầu, HTX Thạnh Hòa xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương. HTX vận động bà con thành viên góp vốn thuê cơ giới xây dựng bờ bao khép kín kết hợp xây dựng hệ thống giao thông kiên cố, giúp cho hệ thống thủy lợi hiện nay được hoàn chỉnh, ổn định sản xuất 3 vụ lúa/năm. Hơn nữa, HTX còn góp vốn tổ chức các dịch vụ ngành nghề kinh doanh phục vụ hỗ trợ thành viên nâng cao thu nhập giải quyết việc làm, tham gia xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Đoàn Văn Bấu, Chủ tịch HTX Thạnh Hòa, người nông dân đã có đất, có lao động, cái họ cần là dịch vụ phục vụ sản xuất, từ khâu làm đất đến thu hoạch, phơi sấy và cuối cùng là đầu ra của sản phẩm. Thực tế cho thấy, HTX nông nghiệp chỉ phát triển được khi làm tốt các dịch vụ này cho thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn giúp bà con thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào như bơm nước tưới tiêu, thu hoạch, sấy, sản xuất giống để cung cấp lúa giống cho thành viên. HTX cũng có quỹ hỗ trợ vốn cho thành viên, huy động bà con thành viên có vốn nhàn rỗi góp vốn vào hoạt động của quỹ hỗ trợ thành viên HTX, nhằm giúp đỡ cho bà con còn gặp khó khăn về vốn hoặc khó tiếp cận với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Chưa kể, HTX Thạnh Hòa còn vận động người dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái và các loại hoa màu phụ ngắn ngày, tận dụng ao trống nuôi cá nước ngọt có giá trị kinh tế.

Có thể khẳng định rằng, HTX có vai trò rất quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, đồng thời còn là mô hình chống tái nghèo hiệu quả và bền vững nhất. Kết quả đạt được của khu vực kinh tế hợp tác rõ nét, đóng góp căn bản cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Kiên Giang. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Dũng nhìn nhận, hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã giúp giải quyết tốt các quan hệ hợp tác, giúp nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. HTX đã giúp các thành viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm vật tư đầu vào và thực hiện tốt các khâu dịch vụ, ước tổng số tiền làm lợi cho các thành viên mỗi vụ trên 900 tỷ đồng.

Thảo Anh