Ảnh hưởng không đáng kể đến thu ngân sách năm 2024
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định về việc giảm tiền thuê đất năm 2024 nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là cho những địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án, giảm 15% hoặc 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm (sau đây gọi là người thuê đất). Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nếu giảm thuế 15%, thu ngân sách sẽ giảm 2.000 tỷ đồng; nếu giảm 30% thì thu ngân sách giảm 4.000 tỷ đồng. Con số này tương ứng với khoảng từ 0,13% đến 0,26% tổng thu ngân sách nhà nước một năm và từ 4,5% đến 9% số thu ngân sách nhà nước từ tiền thuê đất một năm (tính theo số liệu năm 2023).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự toán thu ngân sách năm 2024 đã được Quốc hội thông qua sẽ đạt và vượt. Vì vậy, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nhà nước nói chung, nhưng sẽ có tác động lớn tới việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp; từ đó tăng thu ngân sách từ thuế để bù đắp cho số giảm thu do giảm tiền thuê đất.
Để đơn giản thủ tục hành chính và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, hạn chế xin - cho khi phải đi xin xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Tài chính đề xuất thành phần hồ sơ gồm 2 loại văn bản: giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2024 của người thuê đất theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này; và Quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao).
Thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh
Góp ý vào dự thảo Nghị định, VCCI đề xuất áp dụng mức giảm chung 30% cho cả nước. Theo VCCI, dự thảo Tờ trình cho thấy tình hình thu ngân sách năm 2024 rất khả quan. Trong 6 tháng đầu năm đã thu được 60,4% dự toán, vượt 16,42% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng năm 2024 đã thu được 72,65% dự toán, vượt 19,09% so với cùng kỳ; tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước đã đạt đến 91,63% dự toán. Dự thảo Tờ trình cũng nhận định, dự toán thu ngân sách năm 2024 đã được Quốc hội thông qua sẽ đạt và vượt; số tiền thuê đất giảm theo chính sách này không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nói chung…
Bên cạnh đó, chính sách giảm tiền thuê đất trong các năm từ 2020 đến 2023 đã mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh khi chịu tác động của dịch Covid-19. Mức giảm tiền thuê đất của năm trước là 30% và được đánh giá là hợp lý, VCCI lý giải cho đề xuất của mình.
Đặc biệt, theo VCCI, thiệt hại cơn bão Yagi gây ra với 26 địa phương miền Bắc là hết sức nặng nề. Các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố này đang rất cần được hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 143/NQ-CP trong đó yêu cầu nghiên cứu chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mức giảm tiền thuê đất cho 26 địa phương chịu ảnh hưởng của bão cao hơn so với mức giảm chung của cả nước. Chính sách sẽ giúp các doanh nghiệp tại các địa phương này có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và chuẩn bị phúc lợi cho người lao động trong dịp Tết sắp tới.