Ý kiến đại biểu

Giảm thuế giá trị gia tăng - cú hích cho nền kinh tế

Hải Thanh 21/05/2025 19:29

Chiều 21/5, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) khẳng định: việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích thích sản xuất kinh doanh và tạo việc làm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô...

Giảm thuế giá trị gia tăng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục giảm thuế GTGT trong bối cảnh hiện nay. Theo đại biểu, đây là biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.

"Việc giảm thuế GTGT sẽ trực tiếp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó kích thích sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026", đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ chiều 21/5. Ảnh:
ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Lê Nguyên

Cụ thể, đối với người dân và doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.

Dẫn chứng việc này, đại biểu chỉ rõ: nhìn lại những hiệu quả rõ rệt mà chính sách giảm thuế GTGT đã mang lại trong những năm qua cho thấy, năm 2022, chính sách đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021, đóng góp quan trọng vào sự phục hồi kinh tế.

Năm 2023, tiết kiệm được khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%.

Năm 2024, tổng mức hỗ trợ đạt 49 nghìn tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng GDP 7,09%, kiểm soát lạm phát với CPI tăng 3,63%, và xuất siêu ước đạt 24,77 tỷ USD.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, ước tính giảm khoảng 8,3 nghìn tỷ đồng thuế GTGT, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ, và cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 1,47 tỷ USD.

“Những con số này là minh chứng rõ ràng cho vai trò quan trọng của chính sách giảm thuế GTGT trong việc kích thích kinh tế, ổn định thị trường và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân”- đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

Tăng cường thanh, kiểm tra và cải cách thủ tục hành chính

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng cho rằng: việc tiếp tục giảm thuế GTGT cũng đặt ra một thách thức không nhỏ đối với thu ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến số giảm thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 sẽ vào khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng, trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng và năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng. Điều này đòi hỏi sự đánh giá kỹ lưỡng hơn về tác động đối với nguồn thu, đảm bảo việc thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, đồng thời phải nhất quán với các chính sách thuế khác.

Từ thực tế trên, đồng thời để bảo đảm cân đối ngân sách và thực hiện hiệu quả chính sách, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị: tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần tập trung vào chuyển đổi số trong quản lý thuế, nhất là các lĩnh vực trọng điểm như thu từ đất đai, chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ người nộp thuế, quản lý nợ thuế và phân loại hồ sơ hoàn thuế.

Mặt khác, tăng cường triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong các ngành dịch vụ như ăn uống, nhà hàng, khách sạn theo chuỗi, kinh doanh xăng dầu, vàng nhằm tăng cường thu nộp ngân sách.

Chính phủ cũng cần tiếp tục thực hiện điều hành chi ngân sách một cách chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các khoản dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác cần được huy động để chi cho công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cũng như các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, bảo đảm cân đối ngân sách ở tất cả các cấp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giảm thuế giá trị gia tăng - cú hích cho nền kinh tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO