Thanh niên thất nghiệp tăng cao
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong quý III.2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15 - 24 tuổi là 7,86%, tăng 0,45 điểm % so với quý trước và giảm 0,16 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có hơn 1,5 triệu thanh niên 15 - 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 12,1% tổng số thanh niên). Như vậy, cứ 100 thanh niên sẽ có 12 người thất nghiệp.
Số lượng thất nghiệp ở người trẻ tăng 95.500 người so với quý trước và giảm 81.200 người so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm 2023, khoảng 434.300 thanh niên thất nghiệp, chiếm 40% tổng số người thất nghiệp.
Tính chung so với quý trước, thất nghiệp quý III tăng về số lượng và không thay đổi về tỷ lệ. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo thấp hơn so với năm trước, do sức cầu tại các nền kinh tế phát triển đang yếu đi và tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc, các doanh nghiệp và thị trường lao động Việt Nam chịu ảnh hưởng bất lợi từ khó khăn của kinh tế thế giới.
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp, lao động trẻ cũng có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên là lực lượng đông đảo, đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới, song, công tác giải quyết việc làm cho thanh niên đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Hiện nay, tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số cũng như lực lượng lao động đang có xu hướng giảm mạnh do tình trạng "già hóa dân số". Dự báo giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" của Việt Nam sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038, vì vậy, cần có các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ để tận dụng lợi thế của thời kỳ này.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, số thanh niên lao động trong khu vực phi chính thức sẽ ngày càng tăng, do thị trường việc làm ở khu vực công, khu vực chính thức có tính cạnh tranh cao; do tác động của tiến bộ khoa học công nghệ; bị sa thải vì không đáp ứng được yêu cầu công việc; hoặc tự khởi nghiệp, lập nghiệp, xu hướng làm việc tự do…
Ở một khía cạnh khác, trong thời gian tới, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dự báo vẫn gặp khó khăn, nhất là các ngành công nghiệp, dịch vụ, dẫn đến tình trạng số thanh niên bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập có thể gia tăng.
Đào tạo và tăng cường kết nối là chưa đủ
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhận định, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động của Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số trẻ chuyển sang dân số già, điều này đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với lực lượng lao động là thanh nên.
Mặt khác, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn thị trường biến động do đại dịch Covid-19 (từ quý I.2020 - quý II.2022), tỷ lệ này thay đổi liên tục, trong đó đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III.2021. Bắt đầu từ quý III năm 2023, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng dao động nhẹ và giữ mức 4,2% (hơn 2,2 triệu người).
Đáng chú ý, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15 - 34 tuổi (51,7%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (33,2%). Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. Tuy nhiên, số lao động không sử dụng hết tiềm năng đã giảm gần 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,3 triệu người (4,3%) trong 9 tháng năm 2023.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Hà, chuyên gia Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, hoạt động chung của thanh niên và việc làm của nhóm này cần được nhìn thẳng vào thực tế; hiện nay, nhìn vào lực lượng thanh niên được đào tạo có bằng cấp thì có khoảng 29%, song tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm này cũng cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung.
"Vấn đề rất lớn hiện nay là việc làm cho thanh niên cần thực hiện thế nào, kỹ năng ra sao, vấn đề hệ sinh thái khởi nghiệp để tạo điều kiện cho họ khởi nghiệp, hay tiếp cận việc làm cho thanh niên đã đặt vào đối tượng trung tâm hay chưa, đặc biệt là việc liên kết các nhà (nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường)" - TS. Nguyễn Hoàng Hà nói.
Còn theo TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong thời gian tới, vấn đề việc làm cho thanh niên cần là nội dung được chú trọng trong công tác giải quyết việc làm.
Ngoài các hoạt động đào tạo việc làm, kết nối, giới thiệu việc làm, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có các chương trình khởi nghiệp cho thanh niên, vì vậy, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung này. Ngoài ra, hỗ trợ thanh niên đi làm việc ở nước ngoài cũng là một giải pháp quan trọng.
"Trong bối cảnh việc làm trong nước hạn chế, cần thúc đẩy hỗ trợ lực lượng thanh niên đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao, các nền kinh tế tiên tiến để họ học hỏi thêm các kiến thức, kỹ năng hiện đại. Sau này, khi kết thúc hợp đồng về nước, lao động trẻ sẽ có cơ hội phát triển kinh tế đất nước, địa phương" - TS. Trịnh Thu Nga nhấn mạnh thêm.