Giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong bối cảnh đại dịch Covid -19

- Thứ Sáu, 18/12/2020, 18:07 - Chia sẻ
Là chủ đề của hội thảo do Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 18.12, tại Nha Trang.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Tiến sỹ Trần Văn Minh cho biết, làm thế nào để sử dụng một cách có hiệu quả nhất các nguồn lực của quốc gia và của xã hội cho công tác phòng chống dịch bệnh và cứu trợ nền kinh tế cũng như phục hồi kinh tế sau đại dịch. Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách và đấu tranh phòng chống tham nhũng.”

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Tiến sỹ Trần Văn Minh phát biểu tại hội thảo.

Thực tế, để đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân, vừa duy trì đà phát triển kinh tế, năm 2020 Chính phủ đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho việc nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho công tác xét nghiệm, sàng lọc, điều trị và cho việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh. Cũng trong thời gian này, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, điều tra và xử lý kịp thời những vụ việc có liên quan đến lĩnh vực y tế và sử dụng nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc nhanh chóng khởi tố, điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại CDC Hà Nội, Sở Y tế Đắk Lắk, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay cuộc thanh tra diện rộng về việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và mua sắm trang thiết bị y tế cũng được tiến hành trong thời gian này.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều thách thức, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp thường xuyên hơn, toàn diện hơn và quyết liệt hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và dự báo sẽ để lại những hậu quả lâu dài.

Toàn cảnh hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phòng chống tham nhũng ở lĩnh vực y tế, Cố vấn khu vực về Phòng chống tham nhũng UNODC Francesco Checchi nhấn mạnh đến tác động của tình trạng tham nhũng trong quy trình mua sắm trang thiết bị y tế, quản lý các gói hỗ trợ kinh tế và các biện pháp bảo vệ xã hội. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phòng ngừa và đấu tranh với nguy cơ tham nhũng càng trở nên cấp thiết khi xây dựng các kế hoạch và hành động ứng phó và phục hồi quốc gia”.

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận về, chính sách, pháp luật và cơ chế phòng chống tham nhũng, các nguy cơ và thách thức liên quan đến tham nhũng trong lĩnh vực y tế trong nước; đồng thời các chuyên gia  đã  đưa ra những các giải pháp và cách tiếp cận quốc tế nhằm giải quyết nguy cơ tham nhũng, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, trong chuỗi cung ứng dược phẩm, phân phối vacxin, trong đó nhấn mạnh việc phát huy vai trò giám sát của người dân thông qua việc thực hiện quyền tố cáo nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại TP Hồ Chí Minh, Emily Hamblin khẳng định, Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến một đợt suy thoái kinh tế sâu sắc nhất trong vòng gần một thế kỷ qua, tác đống đến y tế, làm gián đoạn hoạt động kinh tế, làm cho sinh kế của người dân bị đe dọa. Nó cũng mang đến cho những đối tượng phạm tội các cơ hội tham gia vào hành vi tham nhũng, chẳng hạn như trong quá trình mua sắm các thiết bị bảo hộ cá nhân. Ở Việt Nam, một trong những thách thức trong thúc đẩy môi trường kinh doanh là phòng, chống quan liêu và qua đó giảm các cơ hội tham nhũng. Hồi phục toàn diện sau Covid-19 chỉ có thể đạt được nếu tính liêm chính, minh bạch và tinh thần trách nhiệm được đảm bảo, sao cho ngân sách công được sử dụng trung thực, hiệu quả và không có xung đột lợi ích với những người quản lý các hợp đồng mua bán.”

Phạm Hải