Hội nghị có sự tham dự của gần 200 đại biểu là những nhà lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu hàng đầu đến từ các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đang tham gia trong lĩnh vực hoạt động về PCTNTT và các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO Geneva), Trường Đại học John Hopkins cùng nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế TS. Lê Đức Luận cho biết, tai nạn thương tích không chỉ gây ra những mất mát to lớn về sinh mạng mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế và xã hội đáng kể, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Phòng chống thương tích và bạo lực cũng là một trong những chỉ số quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn thương tích chiếm tới 11% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trong đó 80% là ở các nước đang phát triển. Mỗi năm có 4,4 triệu người chết (chiếm gần 8% tổng số các trường hợp tử vong) và 78 triệu người tàn tật vĩnh viễn do tai nạn thương tích, trong đó tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, ngã, và bạo lực là những nguyên nhân chính.
Trong mô hình bệnh tật tại Việt Nam, tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ 11,3%, bệnh truyền nhiễm chiếm 15,7% và bệnh không lây nhiễm chiếm 73%. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tai nạn thương tích nhưng đây vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế và hơn 30.000 người tử vong do tai nạn thương tích.
Tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước và tai nạn lao động là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn thương tích. Điều này cho thấy, dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực và đầu tư hơn nữa để giảm thiểu tai nạn thương tích và giảm tối đa những hậu quả do tai nạn thương tích gây ra.
Những năm qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động và chính sách nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích. Một số chính sách tiêu biểu bao gồm Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (Theo Quyết định số 1248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 19.7.2021); Kế hoạch phòng chống TNTT của các Bộ, ngành, địa phương; Luật Khám, chữa bệnh số 15/2023/QH13 đã được ban hành trong đó có quy định chi tiết về nội dung sơ cứu và hệ thống cấp cứu ngoại viện; Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật đường bộ được thông qua ngày 27.6.2024; Luật Phòng bệnh đang xây dựng với những nội dung đề xuất các biện pháp can thiệp hiệu quả và sơ cứu tai nạn thương tích. Những chính sách và hoạt động này đã, đang và sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ tai nạn thương tích tại Việt Nam.
Tại hội nghị, 32 báo cáo khoa học của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế được trình bày trong phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề tập trung vào phòng chống thương tích do giao thông đường bộ; sơ cấp cứu và phục hồi chức năng sau tai nạn thương tích; phòng chống đuối nước và các tai nạn thương tích trẻ em; PCTNTT khác tại cộng đồng.
Các đại biểu thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm trong triển khai công tác PCTNTT giai đoạn 2020 - 2024 thông qua các biện pháp và giải pháp chiến lược từ những kinh nghiệm đã được minh chứng hiệu quả trong nước và quốc tế, định hướng và đề xuất hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh hợp tác sâu rộng và thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tai nạn thương tích, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người dân, đồng thời giúp đạt được các mục tiêu đã đề ra.