Xây dựng kho dự trữ xăng dầu là cần thiết nhưng phải tính toán phù hợp
Nói về việc nguồn cung xăng dầu khan hiếm vừa qua và tầm quan trọng của việc xây dựng các tổng kho xăng dầu dự trữ để phòng ngừa rủi ro, theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính), trước bối cảnh nguồn cung năng lượng bị khủng hoảng, thâm hụt, Chính phủ cũng đã yêu cầu xây dựng các kho dự trữ. Nhưng để phòng ngừa rủi ro về giá có rất nhiều yếu tố, ví dụ đối với doanh nghiệp phải phòng ngừa bằng công cụ Hedging (thuật ngữ chỉ các công cụ, giải pháp phòng ngừa rủi ro). Còn đối với quốc gia hay ngay từ doanh nghiệp cũng phải có quy định về lượng dự trữ xăng dầu cụ thể.
“Bất kỳ quốc gia nào cũng như vậy, muốn đảm bảo an ninh năng lượng phải có dự trữ. Dự trữ đến mức độ nào và tuỳ thuộc vào năng lực, tiềm năng của từng nước mà xây dựng kho chứa làm sao cho hợp lý... Cái thứ hai là trong bối cảnh tình hình nguồn cung khó khăn, khan hiếm như vừa qua thì có tác dụng nhưng thực tế nếu anh dự trữ không hợp lý thì cũng sẽ không có hiệu quả”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dự trữ cần phải tính toán quy mô là bao nhiêu, vốn đầu tư là bao nhiêu, dự trữ mức độ nào và bao nhiêu là cần thiết...
Liên quan Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè bị bỏ hoang vì thiếu kinh phí và tầm quan trọng của việc xây dựng các kho dự trữ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, dự trữ là cần thiết, là tất yếu đối với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Các vấn đề đặt ra là có nâng dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hay không? bao nhiêu ngày? quốc gia là bao nhiêu ngày? phải tính toán cụ thể.
Với quốc gia quy mô tiêu dùng hàng năm trên 20 triệu tấn thì lượng dự trữ xăng dầu của Nhà nước bao nhiêu là hợp lý trên cơ sở phân bổ dự trữ quốc gia, dự trữ doanh nghiệp? Do đó cần phải tính toán dự trữ bao nhiêu, quy mô bao nhiêu là hợp lý với lượng tiêu dùng của Việt Nam.
“Việc dự trữ, xây dựng các tổng kho dự trữ xăng dầu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng là rất cần thiết, nhưng phải tính toán cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, của quốc gia”, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Hoang tàn trong công trình Tổng kho dự trữ xăng dầu nghì tỷ
Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 13/7/2017 về Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với sức chứa 450.000 m3, do Công ty Cổ phần Kho cảng Xăng dầu hàng không miền Nam đầu tư xây dựng, kinh phí dự toán lên đến 12.000 tỷ đồng.
Đây cũng là công trình cơ khí trọng điểm nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, khi Tổng kho xăng dầu Phú Xuân – Nhà Bè được đưa vào sử dụng giúp tăng dự trữ thương mại khoảng 16 ngày tiêu thụ khu vực phía Nam và 45 ngày tiêu thụ TP.HCM. Tuy nhiên, công trình hiện rơi vào tình trạng bỏ hoang gần 3 nay, nhiều hạng được xây dựng khá bài bản đang xuống cấp trầm trọng, sắt thép, bồn chứa, cầu cảng hoen rỉ…
Theo chủ đầu tư, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự bất ổn của thị trường xăng dầu trong nước và Quốc tế đã làm tiến độ xây dựng công trình kho cảng bị đình trệ. Mặt khác do thiếu hụt nguồn vốn khiến công trình đi vào “ngõ cụt”. Hiện Tổng kho xăng dầu Phú Xuân – Nhà Bè đã thi công được 70% cầu cảng, vật tư thiết bị chuẩn bị cho việc xây dựng kho chứa 230.000m3 đạt 80%. Nếu được giải quyết sớm về nguồn vốn, kho cảng sẽ được đưa vào sử dụng trước tháng 12.2023 với sức chứa 230.000m3 xăng dầu và hoàn thành toàn bộ tổng kho chứa 450.000m3 xăng dầu vào tháng 6.2024.
Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM để sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho đơn vị trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ở các ngân hàng thương mại, giúp đơn vị thực hiện hoàn chỉnh các hạng mục công trình còn dở dang của Tổng kho Phú Xuân - Nhà Bè để sớm đưa vào sử dụng. Qua đó bổ sung kịp thời nguồn dự trữ xăng dầu, duy truy nguồn cung xăng dầu cho thị trường TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Trao đổi với Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, ông Trần Sỹ Huân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kho cảng Xăng dầu Hàng không Miền Nam cho biết: “Tôi đã làm việc với đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM và các bên liên quan, hiện đang chờ phản hồi từ các đơn vị này”.
Ghi nhận thực tế, bên trong công trình cỏ mọc um tùm, cầu cảng dở dang, sắt thép, máy móc hoen rỉ, bồn chứa bỏ hoang, nhiều nguyên vật liệu, thiết bị đã có dấu hiệu xuống cấp sau thời gian dài dừng hoạt động.
Thời gian qua, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số thời điểm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trong khi công trình kho chứa, dự trữ hàng nghìn tỷ đồng lại đang bỏ hoang gây lãng phí, bức xúc dư luận.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.