Giám sát của Quốc hội luôn đồng hành thực chất, hiệu quả cùng Chính phủ

- Thứ Hai, 30/05/2022, 16:46 - Chia sẻ

Từ kết quả của chuyên đề giám sát lần này, có thể khẳng định, giám sát của Quốc hội đã, đang và sẽ luôn đồng hành thực chất, hiệu quả cùng Chính phủ.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường TRẦN VĂN KHẢI, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là chuyên đề giám sát tối cao được Đoàn giám sát của Quốc hội chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay. Đúng như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu “Quốc hội giám sát càng sát bao nhiêu, càng có hiệu lực bao nhiêu thì càng tạo điều kiện cho Chính phủ, cho các bộ, ngành bấy nhiêu”. Từ kết quả của chuyên đề giám sát lần này, có thể khẳng định, giám sát của Quốc hội đã, đang và sẽ luôn đồng hành thực chất, hiệu quả cùng Chính phủ.

Công phu, bài bản, kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay

- Ông đánh giá thế nào về việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV? 

- Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước. Khi quy hoạch đi trước một bước sẽ trở thành động lực cho sự tăng trưởng, dẫn dắt, định hướng và thể hiện khát vọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành và của từng địa phương. Khi quy hoạch có tầm nhìn tốt, chiến lược tốt và được quản lý chặt chẽ sẽ là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia. Không chỉ thế, quy hoạch còn là công cụ cần thiết, quan trọng để quản lý, kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam)
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu

Mặc dù Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua gần 5 năm, có hiệu lực hơn 3 năm, nhưng việc thực hiện các chính sách pháp luật còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế. Các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 triển khai không bảo đảm tiến độ. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Phải tìm ra nguyên nhân tại sao và trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào? Đồng thời, với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt nêu trên, ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội XV đã quyết định lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” để giám sát tối cao trong năm 2022. Có thể nói, quyết định lựa chọn chuyên đề này là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV là hết sức trúng, sát thực tiễn và rất kịp thời của Quốc hội.

- Đổi mới hoạt động giám sát là một trong những trọng tâm cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội. Và giám sát chuyên đề tối cao lần này được đánh giá là có nhiều đổi mới cả về cách thức tiến hành và nội dung. Hoạt động của Đoàn giám sát được chuẩn bị như thế nào và có những đổi mới nổi bật , thưa ông?

- Trước hết, có thể khẳng định, đây là chuyên đề giám sát được Đoàn giám sát của Quốc hội chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay. Đoàn giám sát đã xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát hết sức kỹ lưỡng, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng và những nội dung trọng điểm phải giám sát để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan xem xét cho ý kiến nhiều vòng. Sau đó, hoàn thiện nội dung và gửi Chính phủ, các bộ, ngànhcác cơ quan liên quan cũng như UBND, HĐND các tỉnh và Đoàn ĐBQH 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu báo cáo theo đề cương của Đoàn giám sát. Đoàn giám sát đã làm việc với 11 Bộ và 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đoàn giám sát đã tổ chức 4 tọa đàm, hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, luận cứ phục vụ xây dựng kết quả báo cáo giám sát. Đoàn giám sát cũng đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với các cơ quan như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu lập pháp và các cơ quan truyền thông. Đặc biệt, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ để đánh giá kỹ lưỡng các kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là thống nhất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quy hoạch trong thời gian tới.

Thứ hai, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã có những đổi mới căn bản, toàn diện về phương thức tổ chức thực hiện, cả về chiều rộng cũng như chiều sâu. Chuyên đề giám sát tối cao về Luật Quy hoạch có phạm vi rất rộng, nội dung phức tạp, thời gian giám sát ngắn trong khi lực lượng của Đoàn giám sát lại mỏng, đòi hỏi Đoàn giám sát phải có cách thức tổ chức và phương thức giám sát đổi mới, linh hoạt, hiệu quả.

Kết quả hết sức tốt đẹp, tác dụng rõ rệt

- Cụ thể, những đổi mới đó là gì, thưa ông?

Một là, xây dựng Đề cương giám sát hết sức kỹ lưỡng, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng và những nội dung trọng điểm phải giám sát.

Hai là, phương thức làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hết sức linh hoạt, thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ba là, tham vấn ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về nội dung chuyên đề giám sát.

Bốn là, mời Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia theo lĩnh vực tham gia ý kiến vào báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.

Năm là, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan có liên quan, như: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Liên Hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện nghiên cứu lập pháp, các cơ quan truyền thông trong quá trình thực hiện giám sát.

Sáu là, các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã dành thời gian tham dự nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo, chỉ đạo, động viên kịp thời trong bối cảnh có nhiều thành viên bị nhiễm Covid - 19 trong quá trình giám sát.

- Ông đánh giá thế nào về kết quả “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” của Đoàn giám sát đến thời điểm hiện nay?

- Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội lần này đã có kết quả hết sức tốt đẹp, tác dụng rõ rệt. Nhờ có đợt giám sát này, các Bộ, các ngành, địa phương đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch. Qua giám sát, một số vấn đề về thống nhất nhận thức đối với pháp luật về quy hoạch, về đội ngũ chuyên gia tư vấn, thẩm định quy hoạch, đào tạo nhân lực, bố trí và sử dụng kinh phí, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện công tác quy hoạch, trách nhiệm quản lý nhà nước... đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nhận diện sâu sắc trong hoạt động hoạch định chính sách, xây dựng, thực thi pháp luậtquản lý nhà nước về công tác quy hoạch. Hoạt động giám sát lần này cũng là dịp tổng rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan về việc triển khai thực hiện pháp luật về quy hoạch trên phạm vi cả nước. Hoạt động giám sát đã nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Hoạt động giám sát đã góp phần đánh giá chất lượng công tác xây dựng pháp luật của chúng ta trong thời gian vừa qua, và bài học kinh nghiệm trong thời gian tới.

Như đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu “Quốc hội giám sát càng sát bao nhiêu, càng có hiệu lực bao nhiêu thì càng tạo điều kiện cho Chính phủ, cho các b, ngành bấy nhiêu”. Chính vì thế, Báo cáo kết quả giám sát đã kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết giám sát để xử lý các tồn tại, hạn chế. Có Nghị quyết này của Quốc hội, Chính phủ sẽ có cơ sở pháp lý để triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn để xử lý các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch và hoàn thiện thể chế về quy hoạch.

Từ kết quả cụ thể, rõ rệt của chuyên đề giám sát này, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, giám sát của Quốc hội đã, đang và sẽ luôn là hoạt động đồng hành thực chất, hiệu quả cùng Chính phủ.

Anh Phương thực hiện
#