Theo dòng sự kiện:

Đúng, trúng, công phu, sát thực tiễn

- Thứ Ba, 31/05/2022, 05:12 - Chia sẻ

Việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực thi hành” là rất “trúng và đúng” với tâm tư, nguyện vọng của đa số cử tri và Nhân dân cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới đang cho thấy vô vàn khó khăn, vướng mắc và hầu hết các quy hoạch đều đang chậm tiến độ, thì việc lựa chọn chuyên đề giám sát này càng “có ý nghĩa hết sức quan trọng”.

Nhiều đại biểu Quốc hội cùng chung nhận định như vậy khi thảo luận về chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV trong phiên họp toàn thể hôm qua.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phát biểu tại hội trường 	Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phát biểu tại hội trường Ảnh: Hồ Long

“Tôi đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Đoàn giám sát trong thực thi nhiệm vụ. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thành viên bị lây nhiễm, song Đoàn giám sát đã linh hoạt, kịp thời điều chỉnh kế hoạch từ giám sát trực tiếp sang giám sát trực tiếp kết hợp trực tuyến, bảo đảm tiến độ và chất lượng”, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nói. Thành quả cho tinh thần quyết liệt đổi mới và trách nhiệm cao trong hoạt động giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV được chắt lọc, chưng cất và khắc họa sắc nét trong 71 trang Báo cáo đầy đủ, 12 trang Báo cáo tóm tắt cùng 63 trang của 4 phụ lục kèm theo và 4 báo cáo kết quả tọa đàm, hội thảo tham vấn chuyên gia, các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, các địa phương gửi các đại biểu Quốc hội.

Quan tâm, theo dõi chuyên đề giám sát tối cao về quy hoạch ngay từ quá trình chuẩn bị, nhiều cử tri nhận thấy, không những “đúng và trúng” trong lựa chọn chuyên đề giám sát mà đây cũng là hoạt động giám sát được tiến hành “công phu chưa từng có”, với “những đổi mới rất căn bản” và kết quả đạt được là “hết sức tốt đẹp”, qua đó thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017.

Từ góc độ của cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, chọn giám sát tối cao về quy hoạch “là một quyết định đúng đắn, sát thực tiễn, kịp thời và cũng là một sự đổi mới trong công tác giám sát của Quốc hội Khóa XV, thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, mới, phức tạp giúp cho công tác điều hành của Chính phủ thuận lợi hơn”. Và cụ thể với công tác quy hoạch, đó là “đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới”.

Thực tế, theo các đại biểu, thì Báo cáo kết quả giám sát đã cho thấy rõ “bức tranh” tổng thể từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến triển khai lập, thẩm định quyết định và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017. Đặc biệt, đã đưa ra những nhận định công tâm, khách quan và sắc bén về kết quả đạt được, đồng thời “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật” khi đề cập đến những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Đặc biệt, về “trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan”, Đoàn giám sát chỉ rõ, “trong quá trình nghiên cứu và xây dựng Luật Quy hoạch, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã rất cố gắng và nỗ lực để thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16.1.2012 của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng do công tác quy hoạch có nhiều nội dung mới và phức tạp”.

Thường xuyên theo dõi sát sao các hoạt động của Quốc hội, nhiều cử tri và Nhân dân nói rằng, chưa bao giờ câu chuyện “trách nhiệm” được đề cập “trực diện” và “đích danh” như trong Báo cáo kết quả giám sát về quy hoạch lần này. Không những chỉ rõ trách nhiệm của “cơ quan trình (Chính phủ), cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan thẩm định (Bộ Tư pháp)”, mà còn là trách nhiệm của “cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế), các cơ quan phối hợp” khi “chưa lường hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn dẫn đến Luật Quy hoạch còn bất cập, vướng mắc khi triển khai trong thực tế.

Với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, công phu, chủ động vào cuộc ngay từ đầu, Quốc hội đã hoàn thành chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Chất lượng, hiệu quả của chuyên đề giám sát này không chỉ đo đếm bởi số lượng lớn các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan cũng như những đổi mới căn bản trong cách thức tiến hành giám sát, mà còn ở sức nặng của những kiến nghị, giải pháp được đưa ra.

Điểm mấu chốt là từ thực tiễn công tác quy hoạch, Báo cáo kết quả giám sát đã nêu rõ kiến nghị, giải pháp và nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu, đó là sau giám sát, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để xử lý những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch theo hai bước. Một là, các giải pháp cần triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Hai là, giải pháp trong trung và dài hạn. Theo đó, Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đúng với vị trí, vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, như nhấn mạnh của nhiều đại biểu, đó là phải như “công binh” mở đường, phải đi trước, phải mang tính dẫn dắt trong quá trình phát triển của đất nước.

Lam Giang
#