Ngày đầu tiên tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai

Trực diện và làm rõ nhiều vấn đề "nóng"

- Thứ Tư, 10/11/2021, 19:56 - Chia sẻ
Sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, đề cập được rất nhiều vấn đề cử tri, người dân quan tâm hiện nay, nhất là liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 là nhận định chung của nhiều đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội về ngày đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều đã trả lời trực diện vào nội dung chất vấn, làm rõ nhiều vấn đề. Thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên có dấu ấn đậm nét của Chủ tọa điều hành với sự linh hoạt và sắc bén.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa):
Trực diện các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm

Ảnh: Trung Thành

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các ĐBQH đều đặt câu hỏi thẳng thắn, trách nhiệm, đề cập trực diện các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm trong lĩnh vực y tế như: điểm yếu trong hệ thống y tế cơ sở; có nơi, có lúc còn tình trạng lúng túng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; vấn đề giá xét nghiệm, giá sinh phẩm… Phần trả lời của Bộ trưởng tương đối rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, vẫn còn vài vấn đề tôi thấy chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và Nhân dân. Ví dụ như vấn đề về năng lực, nguồn nhân lực y tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống đại dịch Covid-19 trong thời gian qua; hay như vấn đề sớm sản xuất vaccine phòng Covid-19... thì Bộ trưởng chưa dám khẳng định trong thời gian nào có thể thực hiện được. 

Đối với công tác phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng ở các địa phương có chỉ đạo khác so với Bộ Y tế nên chưa bảo đảm là cũng khá thỏa đáng. Thực tế cho thấy, từ khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4, một số địa phương đã ban hành quy định, thủ tục hành chính không thống nhất dẫn đến ách tắc trong lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân, tạo nên sự bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thì cơ bản các địa phương trên cả nước đã có sự thống nhất chung về phòng, chống dịch. Tôi cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 128 và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn, tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Qua chất vấn, với những vấn đề mà các ĐBQH đã đặt ra cho ngành y tế, tôi tin rằng, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tiếp tục có sự tham mưu cho Chính phủ để có các biện pháp quyết liệt hơn, sát với tình hình thực tiễn hơn, từ đó, tạo cơ sở vững chắc để nước ta kiểm soát tốt tình hình dịch, bệnh một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương):
Thẳng thắn nhận trách nhiệm

Ảnh: Phương Thủy

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tôi nhận thấy, Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề, trả lời rõ ràng về các biện pháp, giải pháp mà ngành sẽ tiến hành để chăm lo cho trẻ em mồ côi sau đại dịch. Tôi khá yên tâm với câu trả lời của Bộ trưởng, và tin rằng, các em bé mồ côi cha mẹ sau đại dịch sẽ được chăm sóc tốt nhất, với sự yêu thương của toàn xã hội. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời rõ ràng, thoả đáng với một số đại biểu chất vấn về sự nhầm lẫn trong cấp tiền hỗ trợ người dân ở một số địa bàn. Bộ trưởng đã đưa ra những con số cụ thể, thẳng thắn nhận trách nhiệm của ngành, lực lượng ở cơ sở liên quan đến một số hạn chế trong thực hiện giải pháp hỗ trợ người dân. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã làm rõ những thông tin liên quan đến sai sót trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 cũng do một số ĐBQH đã truy đến cùng, bóc tách nhiều khía cạnh trong sự việc này. Vấn đề được lật đi, lật lại vì những thắc mắc của cử tri gửi gắm qua ĐBQH rất cần có câu trả lời rõ ràng, rành mạch từ phía các Bộ trưởng. Nếu có sai sót trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, Bộ trưởng cần thẳng thắn nhận trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm và đưa ra dẫn chứng cụ thể. Như vậy, cử tri sẽ dễ chấp nhận hơn.  

Có thể thấy, dịch Covid - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, thậm chí có thể tạo ra khó khăn nhiều hơn so với những đợt dịch trước. Triển khai một gói hỗ trợ an sinh xã hội mới, với quy mô lớn hơn là điều vô cùng cần thiết, là nguồn động viên đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi triển khai gói hỗ trợ này, cần khắc phục được tất cả những hạn chế trong thực hiện các gói hỗ trợ trước. Phải rà soát kỹ lưỡng để đưa hỗ trợ đến đúng đối tượng. Thủ tục tiếp cận các gói hỗ trợ phải gọn nhẹ để đối tượng được tiếp cận nhanh nhất. Công tác triển khai cần rất nhanh nhưng cũng phải rất thận trọng, tránh xảy ra sai sót hoặc chính sách có rồi nhưng về địa phương mãi chưa đến được đối tượng cần hỗ trợ như vừa qua. 

Tôi rất ấn tượng với cách thức điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn linh hoạt, dân chủ và sắc sảo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Căn cứ vào nội dung và phạm vi vấn đề được đại biểu chất vấn, có thể chỉ sau 2-3 đại biểu nêu câu hỏi Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng trả lời ngay. Kể cả khi đại biểu Quốc hội tranh luận, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời ngay chứ không chờ đủ số lượt đại biểu chất vấn. Ngoài ra, với những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn mà Bộ trưởng trả lời chưa hết câu hỏi, Chủ tịch đều nhắc lại trọng tâm chất vấn của đại biểu Quốc hội, hướng Bộ trưởng trả lời đúng vào nội dung chất vấn. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Lê Như Tiến:
Chất vấn rất sát, đúng và trúng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trả lời rất thẳng thắn, trực diện vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra, đặc biệt là những vấn đề rất nóng, rất khó như: đấu thầu thiết bị y tế, kít xét nghiệm Covid -19, giá xét nghiệm, thời gian xét nghiệm... Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn rất sát, đúng và trúng.

Thực tế vừa qua không có cơ sở nào để đưa ra giá xét nghiệm Covid - 19, nơi thì đưa ra mức giá 150 nghìn đồng, nơi thì 240 nghìn đồng, nơi thì 300 nghìn đồng. Khi người dân đã khó khăn trong đại dịch rồi, chúng ta càng phải tạo điều kiện để người dân thuận lợi hơn. Nếu giá xét nghiệm Covid - 19 mỗi nơi một kiểu thì người không yên tâm và cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, tài chính cũng không thể yên tâm. 

Nhiều cử tri cho rằng, chủ trương của Chính phủ đã rất rõ, chúng ta phải tự lực sản xuất được vaccine an toàn và hiệu quả để người Việt Nam dùng vaccine Việt Nam. Vậy đến bao giờ chúng ta mới có vaccine của Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất, phục vụ chính nhân dân Việt Nam? Câu hỏi lớn này tôi đề nghị phải làm rõ hơn.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, công tác thông tin truyền thông của ngành y tế chưa được quan tâm đúng mức, nên mới có sự băn khoăn trong lựa chọn loại vaccine. Phải làm tốt công tác này để dân biết vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm đầu tiên và sớm nhất. Loại vaccine nào phù hợp với đối tượng nào, phù hợp với lứa tuổi nào để người dân cảm thấy yên tâm khi tiêm. Đó là trách nhiệm của ngành truyền thông và ngành y tế.

Đối với phần Bộ trưởng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng trả lời thẳng thắn và dám chịu trách nhiệm. Hai vấn đề đặt ra rất nhức nhối. Thứ nhất là, gói hỗ trợ đối với những người gặp khó khăn trong đại dịch Covid - 19, gói hỗ trợ này đến chậm hoặc không đến được với người được hỗ trợ, hay hỗ trợ nhầm địa chỉ. Đây là những điều đáng trách cần nghiêm túc kiểm điểm. Tôi nhấn mạnh, gói hỗ trợ này là chính sách nhân văn, nhân ái của nhà nước ta đối với người nghèo, người gặp khó khăn, nhưng lại không đến được với người cần thụ hưởng. Ông cha ta có câu: “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi người dân gặp khó khăn nhưng lại không nhận được sự hỗ trợ kịp thời, hỗ trợ nhầm lẫn thì phải xử lý thật nghiêm minh. Thứ hai, đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi, đối tượng đặc biệt của đặc biệt, đối tượng này rất mong manh, khó có khả năng tự bảo vệ, do đó, càng đòi hỏi phải có sự chung tay của các tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hỗ trợ các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn này.

Cũng trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 đã có tình trạng thiếu hụt lao động, bởi người lao động đã về quê tránh dịch. Sự thiếu hụt lao động này cũng được các ĐBQH đặt ra và đòi hỏi phải có giải pháp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sự chung tay của các doanh nghiệp. Ngoài các giải pháp như Bộ trưởng nêu, tôi cho rằng, cần có giải pháp thu hút lao động quay trở lại cơ sở sản xuất kinh doanh, có chính sách rõ ràng hơn cả về vật chất lẫn tinh thần để cho người lao động yên tâm quay lại làm việc. Bên cạnh đó là phải bảo đảm các yếu tố và điều kiện phòng, chống dịch, như là chủ trương của Đảng và Nhà nước: vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch, đặt tính mạng và sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng):
Bao quát các vấn đề trong phạm vi quản lý của các bộ

Ảnh: Quang Khánh

Phần lớn các ĐBQH đã hỏi rất ngắn gọn, đi thẳng vào các nhóm vấn đề. Nội dung chất vấn phản ánh các vấn đề mà đa số cử tri quan tâm; bao quát các vấn đề trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, các đại biểu đã phản ánh vấn đề xử lý những sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian gần đây.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng do có thời gian công tác lâu năm trong ngành y tế và là một chuyên gia trong lĩnh vực này nên Bộ trưởng có thuận lợi, thể hiện sự tự tin - từ thần thái đến phong cách trả lời chừng mực. Bộ trưởng nắm chắc các nội dung đại biểu chất vấn và trả lời thẳng, trực tiếp. Việc 32 đại biểu chất vấn đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực y tế nhưng chỉ có 6 đại biểu Quốc hội phát biểu tranh luận – thực ra là để làm sáng tỏ thêm vấn đề, cho thấy Bộ trưởng đã cơ bản làm hài lòng ĐBQH. 

Sự tham gia giải trình thêm của một số thành viên Chính phủ đối với các nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực y tế, trong đó có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để làm rõ hơn bức tranh toàn cảnh công tác phòng, chống dịch thời gian qua cũng đáp ứng được các yêu cầu của đại biểu. Bởi lẽ, có những câu hỏi của đại biểu đặt vấn đề không chỉ trong phạm vi, thẩm quyền của Bộ Y tế mà ở tầm của Chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cung cấp thêm thông tin về những nội dung này.

Đối với phần chất vấn về các vấn đề liên quan tới lĩnh vực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đa phần ĐBQH chất vấn đúng, trúng các vấn đề đang đặt ra. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn còn hỏi theo cách “hỏi để biết thông tin”. Đối với phiên chất vấn, đại biểu nên chất vấn để tìm ra trách nhiệm trong những tồn tại, hạn chế của Bộ, ngành và tìm ra giải pháp thì sẽ thiết thực, hiệu quả hơn. Đối với phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cá nhân tôi thấy chưa thực sự làm hài lòng đại biểu và cử tri vì chưa trả lời thẳng, trực tiếp vào nội dung câu hỏi; có những câu hỏi Bộ trưởng trả lời lòng vòng hoặc viện dẫn nhiều về kinh nghiệm quốc tế… Tôi mong muốn, khi đại biểu hỏi vấn đề gì thì Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào đúng vấn đề đại biểu quan tâm.

Thanh Chi