Chính sách của một số nước về phòng, chống bạo lực gia đình

Để ngôi nhà thực sự là chốn an toàn

- Chủ Nhật, 11/10/2020, 06:37 - Chia sẻ
Bạo lực gia đình lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách luôn phải nỗ lực mong tìm ra các biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới khiến số ca bạo lực gia đình tăng mạnh, nhiều quốc gia đã coi đây là đại dịch nguy hiểm không kém gì virus Corona.

Những con số u ám   

Theo nghiên cứu năm 2018 mang tên Xu hướng toàn cầu và khu vực trong vấn đề bảo vệ pháp lý cho phụ nữ chống lại bạo lực gia đình và quấy rối tình dục của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 1 tỉ phụ nữ không có được sự bảo vệ pháp lý chống lại bạo lực tình dục gia đình. Ngoài ra, khoảng 1,4 tỉ phụ nữ không có được sự bảo vệ pháp lý chống lại bạo lực kinh tế gia đình.

Nguồn: ITN

Một thống kê khác cho thấy, 20 - 30% số phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới là nạn nhân của các hình thức bạo lực. Ngay từ năm 2012, một nghiên cứu về hậu quả của bạo lực tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương đã chỉ rõ, thiệt hại kinh tế của vấn đề bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt liên quan đến sức khỏe và hậu quả của các hành vi gây nguy hại sức khoẻ lên tới 209 tỉ USD (2012), tương đương gần 2% GDP của khu vực.

Bạo lực gia đình còn trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Tháng 6 vừa qua, LHQ đã cảnh báo về một “đại dịch bóng tối” diễn ra cùng với Covid-19: đó là xu hướng bạo lực gia đình gia tăng trên khắp thế giới trong suốt giai đoạn các quốc gia phải áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế giao tiếp xã hội. Điều đó khiến nhiều người bị mắc kẹt ở nhà với những kẻ bạo hành hoặc không thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ an toàn. Ở nhiều quốc gia, số trường hợp bạo lực gia đình ước tính đã tăng lên ít nhất 30%.

Chống đại dịch kép

Tình trạng gia tăng bạo lực gia đình trong đại dịch Covid-19 khiến các chính phủ toàn thế giới phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp tăng cường bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, những nạn nhân chủ yếu.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án “sự gia tăng khủng khiếp của bạo lực gia đình trên toàn cầu”, đồng thời kêu gọi tất cả các chính phủ “đặt sự an toàn của phụ nữ lên hàng đầu khi ứng phó với đại dịch Covid-19”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban về quyền phụ nữ của Nghị viện Châu Âu Evelyn Regner cũng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không để phụ nữ châu Âu phải đơn độc” và yêu cầu các quốc gia thành viên tăng cường hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trong đại dịch.

Hồi tháng 5, Vương quốc Anh thông báo dành 76 triệu bảng để giúp các nạn nhân của lạm dụng trong gia đình và buôn người trong thời gian áp dụng các lệnh phong tỏa. Theo giới chức Anh, phong tỏa xã hội là giai đoạn dễ gây rủi ro cho những người vốn không an toàn ngay trong ngôi nhà của mình và không thể tiếp cận mạng lưới hỗ trợ… Thậm chí, lãnh đạo đảng Phụ nữ bình đẳng Mandu Reid đã kêu gọi quyền lực đặc biệt của cảnh sát nhằm đuổi thủ phạm bạo lực gia đình ra khỏi nhà trong thời gian phong tỏa xã hội và yêu cầu chính quyền miễn án phí đối với các lệnh bảo vệ.

Ở Tây Ban Nha, ngay sau khi áp dụng lệnh phong tỏa đầu tiên, Bộ Bình đẳng đã thông qua Kế hoạch dự phòng toàn diện chống lại bạo lực trên cơ sở giới nhằm giảm thiểu nguy cơ bạo lực gia đình. Tất cả các dịch vụ hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực giới và bạo lực gia đình được coi là “thiết yếu” và được tiếp tục hoạt động bình thường trong thời gian cách ly xã hội. Có thời điểm các quy định phong tỏa ở xứ sở bò tót rất nghiêm ngặt và ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Tuy nhiên, chính phủ cho biết phụ nữ sẽ không bị phạt nếu như họ rời nhà để báo cáo về việc bị lạm dụng.

Các sáng kiến khẩn cấp sáng tạo hơn cũng đã được đưa ra ở Pháp và Bỉ, bao gồm việc sử dụng các từ mật khẩu trong các hiệu thuốc để nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong giai đoạn phong tỏa xã hội, hiệu thuốc là một trong những nơi thiết yếu được phép mở cửa bình thường. Vì vậy, các nạn nhân có thể tới đây để nói với dược sĩ về tình trạng của mình. Đối với những ai không thể nói công khai ở hiệu thuốc, họ chỉ cần đơn giản nói mật khẩu “mask 19” (mặt nạ 19) cho dược sĩ đứng sau quầy. Còn tại Brussels, chính quyền trưng dụng khách sạn làm nơi trú ẩn cho phụ nữ bị bạo hành. Tương tự ở Đức, lãnh đạo đảng Xanh tại Quốc hội, Katrin Göring-Eckardt, kêu gọi chính phủ giải ngân tiền cho những ngôi nhà an toàn, xem xét chuyển đổi các khách sạn và nhà khách trống làm nơi trú chân cho các nạn nhân bạo lực, đồng thời dỡ bỏ các điều kiện rời nhà đối với những phụ nữ dễ bị tổn thương.

Tại Ba Lan, Cao ủy Nhân quyền Ba Lan đã phát động chiến dịch truyền thông xã hội dành cho những người bị bạo hành gia đình được gọi là Kế hoạch an toàn, trong đó tập trung chủ yếu vào xác định chiến lược tăng cường an ninh cho họ, cũng như chuẩn bị trước cho khả năng xảy ra bạo lực gia đình. Nội dung bao gồm việc lập kế hoạch ứng phó trong các tình huống cực đoan, lập danh sách các số điện thoại khẩn cấp, đóng gói hành lý khẩn cấp cho nạn nhân và bất kỳ trẻ em nào, giúp họ chuẩn bị rời khỏi nhà trong trường hợp khẩn cấp. Kế hoạch an toàn cũng giúp các nạn nhân tìm thấy trung tâm hoặc nơi trú ẩn của phụ nữ địa phương vì nó liên kết với một bản đồ tương tác của cả cơ sở tư nhân lẫn công cộng trên khắp Ba Lan.

Nói chung ở châu Âu, nhiều chuyên gia cho rằng, các nước thành viên EU phải phê chuẩn và thực hiện Công ước Istanbul về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình. Đây là văn kiện quốc tế toàn diện ràng buộc các quốc gia thiết lập các biện pháp chính chống bạo lực gia đình.

Trong khi đó, tháng 9 vừa qua, chính quyền Nam Phi đã chuẩn bị trình Quốc hội thông qua 3 dự luật chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có bạo lực gia đình. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, nước này sẽ thắt chặt luật pháp về bạo lực giới và tội phạm tình dục vốn phổ biến ở đây. Theo ông, công chúng tức giận vì nhiều thủ phạm bạo lực giới và tội phạm tình dục đang lợi dụng các kẽ hở pháp lý để tránh bị bỏ tù, hơn nữa bản án thường không tương xứng với những tội ác đã gây ra đối với phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, pháp luật cũng mở rộng định nghĩa về “bạo lực gia đình” bao gồm việc bảo vệ người cao tuổi chống lại sự lạm dụng của các thành viên trong gia đình.

Ở châu Á, cảnh sát bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, một trong những nơi kỷ lục về các vụ bạo lực đối với phụ nữ, đã đưa ra đường dây trợ giúp bạo lực gia đình mới khi các vụ việc gia tăng trong thời đại dịch.

Australia cũng đưa ra gói hỗ trợ trị giá 92 triệu USD để giúp các nạn nhân bạo lực gia đình, bạo lực tình dục trong thời gian virus Corona hoành hành.

Thái Anh