Ngay sau Kỳ họp, Nghị quyết đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành với số hiệu văn bản 74/2022/QH15, trong đó đề ra các giải pháp cụ thể và toàn diện - từ nhận thức đến hành động - để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó, đáng chú ý là Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát hàng năm.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố đôn đốc các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng...
Những giải pháp nêu trên đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm trong công tác giám sát của Quốc hội, nhất là giám sát chuyên đề. Bên cạnh việc chọn trúng vấn đề nóng bỏng được cử tri quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng đề cương giám sát, huy động cả Đoàn ĐBQH và HĐND tham gia để có thêm luận cứ và bằng chứng rộng khắp và nhìn thấu những vấn đề cốt lõi nổi lên đằng sau rừng số liệu…, Quốc hội đã tập trung vào công đoạn hậu giám sát để nâng qua hiệu lực, hiệu quả công tác này.
Cụ thể, sau khi Quốc hội giám sát tổng thể việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát các “địa chỉ” cụ thể - đó là 83 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ và 880 dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, giám sát nội dung này cũng phải được tiến hành liên tục, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và "đến cùng" như vậy thì mới có hiệu quả.
Hơn nữa, hoạt động giám sát của Quốc hội gắn liền với trách nhiệm giải trình của Chính phủ để từ đó xây dựng hoặc chỉnh sửa chính sách cho phù hợp. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói, giám sát của Quốc hội là sự song hành với Chính phủ và hướng tới mục tiêu kiến tạo phát triển. Không thể tham vọng qua một chuyên đề giám sát tối cao có thể hình thành được chính sách. Chính vì lẽ đó, trong Nghị quyết ban hành sau chuyên giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí. Bỏ qua khâu này sẽ làm giảm hiệu quả thực chất của giám sát.
Bằng những đổi mới liên tục trong hoạt động giám sát như vậy, Quốc hội ngày càng khẳng định sự năng động và chuyên nghiệp của mình với mục tiêu duy nhất là vì nước, vì dân.