Giám sát để pháp luật thực sự là động lực phát triển

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:22 - Chia sẻ
Quốc hội Việt Nam với hơn 75 năm lịch sử là sự kế tục và tiếp bước con đường cách mạng, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Trên cơ sở nhận thức này, GS.TS Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội đã có bài viết quan trọng: “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” với 6 yêu cầu và 8 lĩnh vực cần tập trung. Trong đó, bài viết đề cập đến một khía cạnh hết sức quan trọng cần đẩy mạnh trong thời gian tới là hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm pháp luật được thực thi đầy đủ, kịp thời, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Hà Giang
Ảnh: Doãn Tấn

Chỉ có một cách là khéo kiểm soát”

Là người tiên phong, khai sinh ra nước Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động giám sát gắn rất chặt với mục tiêu xây dựng và củng cố nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của người dân bởi đây là điều mà Nhân dân Việt Nam đã phải đấu tranh qua bao thế hệ mới đạt được. Tuy không trực tiếp lãnh đạo và điều hành Quốc hội, nhưng với tư duy và tầm nhìn tổng quát, Người đã chỉ ra ý nghĩa và mục đích của hoạt động giám sát. Người viết: “Chính phủ ta là Chính phủ của Nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của Nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tụy của Nhân dân”[1].

Bên cạnh đó, giám sát cũng là công cụ để trừng trị và xử lý tình trạng lạm dụng quyền lực. Người từng nhiều lần phê phán rất nghiêm khắc tình trạng lạm dụng quyền lực của một số cán bộ, đảng viên và chỉ ra những căn bệnh hay lỗi lầm của Chính phủ, của những “ông quan” này là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, công thần, quan liêu, biến quyền lực của dân thành quyền lực của một số ít người.

Về giám sát của Quốc hội, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề chất vấn và bỏ phiếu tín nhiệm nội các. Theo Hồ Chí Minh, các thành viên Chính phủ phải sẵn sàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Hồ Chí Minh đã trả lời giản dị nhưng cũng thật khúc chiết, chặt chẽ và thành tâm nhận lỗi trước các đại biểu Quốc hội về những sai lầm, khuyết điểm của các thành viên Chính phủ[2].

Đối với giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát”[3]. Như vậy, hiệu quả, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đến đâu, cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm trong việc thi hành sẽ được làm rõ thông qua hoạt động giám sát một cách khéo léo và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc giám sát cũng phải đi sâu vào thực chất, nắm rõ thực tiễn, cơ sở. Theo Người, việc giám sát “không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi”[4]. Vậy nên khi đánh giá phải có nhiều phương thức và phối hợp hiệu quả giữa các phương thức này để công tác giám sát được sát với thực tế hơn. Đó là những tư tưởng rất quan trọng, là cơ sở cho việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận và cơ chế giám sát của Quốc hội. Vì vậy, trong bài viết của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh yêu cầu: “Thường xuyên tiến hành giám sát, đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật, kịp thời phát hiện và khắc phục những điểm bất cập, thiếu sót, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật”[5]. Đó chính là cơ sở để Quốc hội Khóa XV đẩy mạnh hơn nữa việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tiến tới hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Giám sát thường xuyên, liên tục và hệ thống

Trên cơ sở nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội Khóa XIV đã triển khai nghiêm túc công tác với những kết quả nổi bật như[6]: Phát hiện ra nhiều khoảng trống pháp lý chủ yếu liên quan đến việc quy định chi tiết nội dung được giao trong luật, trong đó có 15% nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết, 38% nội dung quy định chi tiết được ban hành chậm từ 6 tháng đến 1 năm, một số bộ, cơ quan ngang bộ còn nợ nhiều nội dung được giao quy định chi tiết. Phát hiện ra một số văn bản có dấu hiệu trái với quy định của luật (8 Nghị định), quy định không đúng nội dung luật giao (7 Nghị định và 3 Thông tư), có văn bản quy định chi tiết đã được ban hành đủ về đầu mục nhưng có nội dung chưa cụ thể, khả thi, gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Phát hiện ra một số văn bản vi phạm về thẩm quyền, hình thức, trình tự ban hành. Trong đó có 8 Nghị định có nội dung mang tính “ủy quyền tiếp”, một số văn bản quy định lại nội dung đã được quy định trong luật, sai về thời điểm có hiệu lực thi hành…

Bên cạnh đó, công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật cũng gặp những khó khăn như: số lượng văn bản cần giám sát nhiều trong khi số văn bản gửi tới đôi khi chưa đầy đủ, chưa kịp thời; khó xác định phạm vi trách nhiệm giám sát do chồng lấn hoặc chưa được xác định rõ; nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giám sát văn bản còn chưa đầy đủ; một số cơ quan giám sát còn chưa chủ động và bố trí thời gian thường xuyên cho hoạt động này.

Để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh với những yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra trong Bài viết, chúng ta cần: thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật một cách thường xuyên, liên tục và hệ thống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Muốn kiểm soát có kết quả tốt phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm”[7]. Vì vậy, cần có quy trình, kế hoạch để triển khai việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật một cách thường xuyên, báo cáo Quốc hội định kỳ hằng năm, với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan của Quốc hội, trong đó cơ quan phục vụ hoạt động giám sát đóng vai trò đầu mối.

Cần bảo đảm cơ chế giám sát văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả và làm rõ trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát thông qua tăng cường hậu giám sát. Một vấn đề sau khi được phát hiện không thể bỏ ngỏ mà phải được tiếp tục giám sát để chủ thể có trách nhiệm khắc phục; thậm chí nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải “làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”[8].

Cần mở rộng và gắn chặt giám sát văn bản quy phạm pháp luật với giám sát thực hiện chính sách, qua đó thể hiện cao hơn nữa trách nhiệm của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được ban hành đi vào cuộc sống. Để thấy được tính hợp lý của văn bản quy phạm pháp luật, cần phải xem tới cả công tác thi hành nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một thực tế: “Nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra”[9]. Hiện tượng này đến nay vẫn tồn tại và chỉ có thể giải quyết được nếu phạm vi, cách thức giám sát văn bản quy phạm pháp luật được mở rộng và đồng bộ hơn.

Cần phối hợp nhiều phương thức giám sát để có thể đạt được hiệu lực, hiệu quả cao hơn và thực chất hơn, gắn liền với kết quả thực thi văn bản pháp luật trên thực tế. Để thực sự phát hiện những điểm bất hợp lý của văn bản, cần đi sâu vào thực tiễn bằng cách phối hợp với các biện pháp giám sát khác như chất vấn, giải trình, lập đoàn giám sát, xem xét báo cáo… Chú trọng, có cơ chế hiệu quả lấy ý kiến phản hồi của đối tượng chịu sự tác động của văn bản, các cơ quan nghiên cứu để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện. Chỉ có như vậy mới có đủ luận cứ, thông tin để đánh giá một cách toàn diện về văn bản quy phạm pháp luật.

Tóm lại, để hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật trở nên hiệu quả, cần tiếp tục đổi mới theo hướng ngày càng coi trọng hơn công tác này; đồng thời triển khai đồng bộ và mạnh mẽ cơ chế giám sát theo hướng mở rộng hơn, đi sâu hơn, chỉ rõ hơn trách nhiệm và cách thức giải quyết đối với vấn đề được giám sát.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 259.

[2] Doãn Thị Chín, Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Lý luận chính trị, 6/2021.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, trang 287.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, trang 637.

[5] https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-hoat-dong-lap-phap-gop-phan-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-655188/

[6] Số liệu trong phần này tham khảo dựa trên Báo cáo Tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV (từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 8), số 3910/BC - TTKQH, ngày 28.9.2020.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, trang 287.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, trang 283.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, trang 636.

TS Nguyễn Ngọc Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường