Địa phương

Giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Văn Dũng 18/07/2025 14:22

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tổ chức giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nêu ra những bất cập, vướng mắc cần khơi thông để thúc đẩy sự phát triển.

Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất còn nhiều bất cập

2(1).jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai kiểm tra thực tế tại KCN Biên Hòa 1. Ảnh: Văn Dũng

Ngày 18/7, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tiếp tục giám sát công tác công tác quy hoạch và quản lý, sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đoàn giám sát do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống làm trưởng đoàn, cùng dự có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang; ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Hoàng Hải; ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quốc hội Trịnh Xuân An; ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long; Giám đốc Sở Công thương, ĐBQH tỉnh Đồng Nai Vũ Ngọc Long; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico) Đỗ Thị Thu Hằng; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phước An Đỗ Huy Khánh, ĐBQH tỉnh Đồng Nai và Phó Giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo Thổ Út.

Trước khi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, đoàn giám sát đã kiểm tra thực địa tại KCN Biên Hòa 1 để nghe các sở ngành, đơn vị báo cáo về tiến độ di dời khu dân cư, nhà xưởng và nhà máy của các doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất trong KCN này theo đúng kế hoạch đã được đề ra.

6.jpg
Đại diện sở, ngành báo cáo tiến độ chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 trở thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ hiện đại của tỉnh. Ảnh: Văn Dũng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2021-2025,UBND tỉnh đã ban hành 80 quyết định giao đất với diện tích hơn 27,2 triệu m², 54 quyết định cho thuê đất với diện tích gần 16 triệu m², 33 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 1,4 triệu m².

Tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành quyết định thu hồi đất với diện tích hơn 23 triệu m2 đất do tổ chức đang sử dụng để thực hiện các dự án.

Từ ngày 1/7/2014 đến nay, tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát tiến độ sử dụng đất của 495 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Qua đó, xác định 75 dự án với tổng diện tích hơn 1.241ha chậm triển khai thực hiện dự án.

Trong đó, đã thu hồi đất hoặc chấm dứt đầu tư 19 dự án với tổng diện tích 150ha; gia hạn 41 dự án với tổng diện tích 706ha.

8.jpg
Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Văn Dũng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tình trạng tự ý phân lô, bán nền vẫn còn diễn ra ở các địa phương. Nhiều diện tích đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư nhưng tiến độ đầu tư chậm. Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất công vẫn xảy ra, địa phương xử lý chưa kịp thời và mạnh để đủ tính răn đe.

9.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: Văn Dũng

Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong giai đoạn 2021-2025 đã thực hiện cấp đổi 70.056 giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân và 578 giấy chứng nhận cho tổ chức.

Đối với công tác quy hoạch sử dụng đất đã thực sự trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai. Tuy nhiên, thực tiễn công tác lập quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ với các quy hoạch ngành. Đơn cử, tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất còn chưa cao; việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất còn thiếu các giải pháp có tính khả thi.

Khơi thông nguồn lực, vướng mắc về đất đai

11.jpg
ĐBQH Lê Hoàng Hải góp ý với báo cáo về công tác quy hoạch và quản lý, sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Văn Dũng

Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn giám sát cho rằng, đây là hoạt động giám sát đầu tiên của Đoàn đại biểu Quốc hội sau khi hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sáp nhập thành tỉnh Đồng Nai mới. Qua giám sát để các đại biểu nắm tình hình, từ đó kiến nghị tháo gỡ khó khăn về quản lý, sử dụng đất đai cho địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Cuộc giám sát này rất có ý nghĩa, nhất là tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã quyết định không sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch nữa mà sẽ sửa đổi toàn diện Luật này, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 01 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2024, từ đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 18-NQ/TW làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024.

Như vậy, định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024 là đã rõ. Về căn cứ thực tiễn thì giai đoạn 2021-2025 là quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đối với tỉnh Đồng Nai cũ. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã bao gồm cả tỉnh Bình Phước, diện tích lớn hơn rất nhiều và cấu trúc đơn vị hành chính của tỉnh cũng đã rất khác trước, không còn chính quyền cấp huyện. Kết quả giám sát sẽ có giá trị cho công tác quy hoạch trong thời gian tới.

12.jpg
ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: Văn Dũng

Đối với báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai đã được xây dựng rất công phu, dày dặn. Nội dung báo cáo đã đánh giá khá toàn diện về tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, về nội dung báo cáo, phần căn cứ triển khai quy hoạch, các đại biểu cho rằng cần bổ sung Luật Đất đai năm 2024 vì giai đoạn 2021-2025 là áp dụng cả Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024 (từ 1/8/2024 đến thời điểm này của năm 2025); bổ sung Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 vì quản lý, sử dụng đất bao gồm cả đất đô thị.

Bên cạnh đó, báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai nêu khá chi tiết, nhưng các giải pháp, kiến nghị đưa ra chưa gắn với hạn chế, tồn tại. Tình trạng tự ý phân lô, bán nền hay tiến độ đầu tư chậm hoặc tình trạng sử dụng đất sai mục đích… đó là do công tác quản lý.

7.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Văn Dũng

Đoàn giám sát khẳng định, hiện nay cấu trúc, tổ chức đơn vị hành chính của tỉnh Đồng Nai đã khác rất nhiều, không gian phát triển là rất lớn, dư địa để quy hoạch cho giai đoạn tiếp theo là mở. Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai chưa chỉ ra cho đoàn giám sát thấy được những vấn đề gì cần đặt ra để kiến nghị các cơ quan của Quốc hội quan tâm trong hoạch định chính sách.

Các ĐBQH cho rằng, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo cần khơi thông các nguồn lực, dự án đang vướng mắc, trong đó vấn đề về đất đai là rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống cho biết đánh giá cao sự chuẩn bị về báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, nhằm cung cấp đầy đủ cho các đại biểu về bức tranh tổng thể về công tác quy hoạch và quản lý, sử dụng đất trên địa bàn.

Qua công tác giám sát, đoàn phát hiện có nhiều bất cập trong công tác quy hoạch đất trên địa bàn tỉnh, chưa sát với thực tế, nhất là một số dự án trọng điểm của tỉnh. Sự bất cập của công tác quy hoạch dẫn đến gây xung đột với nhau.

10.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: Văn Dũng

Từ đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ban hành văn bản giao các sở, ngành, địa phương thực hiện rõ nhiệm vụ của mình trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cấp xã trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Rà soát lại các dự án đã hoàn thành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được phát triển dự án. Đồng thời, quan tâm đến lợi ích của người dân tại các dự án có quy hoạch treo kéo dài.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO