Giám sát chặt chẽ, tháo gỡ kịp thời vướng mắc
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5 - 2%/năm, bên cạnh ban hành chính sách để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả, HĐND tỉnh Ninh Thuận cũng đề ra kế hoạch để HĐND tỉnh, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh giám sát, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Nhiều khó khăn, thách thức
Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số sinh sống, với trên 144.200 người, chiếm 24,4% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 28 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 xã khu vực III, 1 xã khu vực II và 12 xã khu vực I. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, đề án, kế hoạch hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo như mua, cấp thẻ BHYT đối với người dân tộc thiểu số; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho hộ nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; hộ dân tộc thiểu số nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình...

Nhờ đó, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận có nhiều khởi sắc. Đến nay, vùng miền núi được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng cấp điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn có lưới điện quốc gia và trên 98% số hộ dân có điện thắp sáng; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm từ 3-4%, riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 5-6%/năm; sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng.
Tuy nhiên, do điều kiện địa hình chủ yếu là núi và đồi núi, hệ thống kênh mương nội đồng khu vực miền núi thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thâm canh. Một bộ phận dân trí còn thấp, tập quán canh tác chưa tiếp cận các mô hình sản xuất tiên tiến, năng suất và hiệu quả thấp. Chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Một bộ phận nhân dân sống ven rừng vẫn còn thiếu đất sản xuất. Công tác giao rừng khoán quản theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ được quan tâm thực hiện, tuy nhiên người dân chưa thực sự sống bằng nghề rừng...
Thực tế này khiến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao, đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 63,34% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, chiếm 16,87% so với hộ đồng bào dân tộc thiểu số; cuối năm 2021 chiếm 61,42% so với hộ nghèo toàn tỉnh. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của tỉnh. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, Ninh Thuận hiện còn 14.208 hộ nghèo, chiếm 7,82%; hộ cận nghèo là 12.887 hộ, chiếm 7,09% so với số hộ toàn tỉnh.
Ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao
Với những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong công tác giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, Ninh Thuận tập trung ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu tàu dẫn dắt, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới kết hợp với kinh nghiệm sống, sản xuất của đồng bào trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xã hội.
Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh, liên huyện kết nối với hệ thống đường bộ quốc gia, kết nối liên vùng. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế phù hợp điều kiện đặc thù của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Để bảo đảm đạt được các mục tiêu trên có hiệu quả, đúng pháp luật, một trong những giải pháp được Ninh Thuận đặt ra là tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi đồng thuận, ủng hộ chủ trương xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xóa bỏ các hủ tục, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại; nâng cao nhận thức “tự thân vận động, tự mình vươn lên”, mạnh dạn tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi.
Hỗ trợ đầu tư hạ tầng xã đặc biệt khó khăn
Tại kỳ họp giữa năm 2022, HĐND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư và vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 các chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.492.074 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 1.057.534 triệu đồng (dành 248.056 triệu đồng cho Chương trình giảm nghèo bền vững), vốn đối ứng ngân sách địa phương là 434.540 triệu đồng, trong đó dành 37.210 triệu đồng cho Chương trình giảm nghèo bền vững...
Về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 các chương trình mục tiêu quốc gia, trong nguồn vốn ngân sách trung ương được phân bổ 1.057.534 triệu đồng, sẽ phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 248.056 triệu đồng, trong đó phân bổ 171.748 triệu đồng cho dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển các huyện Bác Ái, Thuận Nam; giao 76.308 triệu đồng phát triển giáo dục, nghề nghiệp, việc làm...
Tới đây, HĐND tỉnh, các Ban HĐND, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh sẽ bám sát chương trình, có kế hoạch giám sát cụ thể việc thực hiện các nghị quyết, qua đó phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.