Giám sát chặt chẽ, hỗ trợ tối đa

Ngọc Phương 17/12/2021 19:44

Hệ thống cơ sở giáo dục mầm non độc lập và tư thục hiện có vai trò rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của Nhân dân, trong đó có nhóm trẻ quy mô tối đa 7 trẻ hoạt động theo nhu cầu đặc biệt của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, việc quản lý và nâng cao chất lượng của các cơ sở này cần được quan tâm.

Đây là vấn đề được tập trung thảo luận tại Phiên họp thứ hai của Tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non” diễn ra chiều 17.12.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non chủ trì phiên họp
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non chủ trì phiên họp

Thiếu điều kiện bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Theo Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện toàn quốc có 16.013 cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập và tư thục, trong đó hơn 1.200 nhóm trẻ độc lập có tối đa 7 trẻ. Tổng số nhóm/lớp là 35.552, bao gồm 14.686 nhóm trẻ, 20.866 lớp mẫu giáo; huy động: 600.175 trẻ em. So với tổng quy mô của cấp học mầm non, số lớp chiếm 17,3%, số trẻ chiếm 11,2%. Trong đó: trẻ nhà trẻ chiếm 24,2%, trẻ mẫu giáo chiếm 8,6% tổng số trẻ em tới cơ sở giáo dục mầm non.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Trong 10 năm qua, đầu tư công cho giáo dục mầm non là mạnh nhất từ trước tới nay, nhưng tập trung vào trường công lập. Trong khi đó, tăng trưởng nóng về quy mô trẻ em đã dẫn đến thiếu trường, lớp, cơ sở vật chất và giáo viên để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non trong 17 tỉnh có nhiều khu công nghiệp ở Việt Nam.

Phiên họp diễn ra tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến
Phiên họp diễn ra tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến 

Tuy không được đầu tư về nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước nhưng trước nhu cầu xã hội về chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, số lượng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập tư thục gần đây phát triển mạnh mẽ. 

Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho cơ sở giáo dục mầm non công lập ở nhiều địa phương. Các đơn vị này cung ứng các dịch vụ như đón sớm, trả muộn, ăn uống, trông trẻ dưới 24 tháng... ngoài việc hỗ trợ rất lớn cho lực lượng lao động, nhất là lao động nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, còn gách vác trách nhiệm cùng xã hội bảo đảm quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của trẻ em.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, các điều kiện bảo đảm chất lượng (đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi…) của nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập chưa đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của cha mẹ trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có 232 trường mầm non, trong đó 225 trường mầm non công lập và 7 trường mầm non tư thục. Có 13 trường phổ thông có gắn nhóm, lớp mầm non. Một số xã có số trẻ ít (dưới 50 trẻ) chưa đủ điều kiện thành lập; số còn lại chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất, đất xây dựng. Có 42/2.225 phòng học chung trường phổ thông nên gặp khó khăn trong việc xây dựng môi trường, tổ chức các hoạt động phù hợp với đặc trưng giáo dục mầm non...

Nhiều địa phương cho rằng, điều kiện bảo đảm chất lượng của nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục chưa đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
Nhiều địa phương cho rằng, điều kiện bảo đảm chất lượng của nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục chưa đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ

Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh Nghệ An có 58 trường mầm non tư thục, dân lập (56 trường tư thục, 2 trường dân lập); 298 cơ sở nhóm lớp độc lập và 18 nhóm trẻ độc lập có quy mô tối đa dưới 7 trẻ. Hầu hết các nhóm trẻ độc lập có quy mô tối đa 7 trẻ đều thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở độ tuổi dưới 24 tháng tuổi, đáp ứng nhu cầu giữ trẻ của phụ huynh. Tuy nhiên, chế độ ăn của trẻ chưa bảo đảm chất lượng theo quy định; cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, bất cập; người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ chưa bảo đảm sức khỏe, không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định...

Kịp thời có chính sách hỗ trợ, nâng dần chất lượng

Trẻ em cần được bảo đảm công bằng về quyền lợi tại mọi cơ sở giáo dục mầm non. Cha mẹ cần môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con tốt để yên tâm công tác, cống hiến cho xã hội. Do đó, cần thiết nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục mầm non độc lập và tư thục.

Để nâng cao chất lượng hoạt động các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập tư thục, đặc biệt là nhóm trẻ độc lập có quy mô tối đa 7 trẻ, TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Vinh góp ý: Thời gian sắp tới, do ảnh hưởng của Covid-19, hệ thống giáo dục ngoài công lập đang có dấu hiệu vỡ, sau khi phục hồi, để có các trường có quy mô như trước đây là khó, giai đoạn đầu phải nhờ vào nhóm độc lập quy mô nhỏ để duy trì hệ thống. Do đó, cần tính toán tạo điều kiện cho nhóm này hoạt động, hỗ trợ tối đa, nhưng cần quản lý, giám sát chặt chẽ về điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ, đi kèm với giáo viên đạt yêu cầu tối thiểu về chuẩn trình độ năng lực.

Các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục
Các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có giải pháp nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên tại các cơ sở này. Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Đặng Lộc Thọ nhận định: Các nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động và họ cũng chỉ thực hiện được như vậy. Để nâng cao chất lượng, phải bảo đảm được nguồn lực thực hiện, bắt đầu từ nhân lực. Hiện nay, giáo viên được đào tạo bài bản thường vào trường công lập và tư thục có chất lượng; còn ở các nhóm trẻ, chủ yếu là nhân lực chưa được đào tạo bài bản, thậm chí chưa qua đào tạo. Do đó, phải tìm cách đào tạo bồi dưỡng tại chỗ, nâng dần chất lượng, nâng chuẩn...

Các chuyên gia cũng đề xuất Nhà nước cần kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non độc lập gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để duy trì hoạt động và bảo đảm đời sống cho người lao động, giảm áp lực bỏ nghề của giáo viên mầm non, bảo đảm các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khi cơ sở hoạt động trở lại (hỗ trợ tín dụng, thuê mặt bằng, hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ lương cơ bản cho giáo viên mầm non…). 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác quản lý hoạt động cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tiếp tục nghiên cứu việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và các điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập như điều kiện về cơ sở vật chất tối thiểu, đồ dùng đồ chơi tối thiểu, việc tổ chức nhóm trẻ/lớp mẫu giáo/lớp ghép; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ; phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục đối với nhóm/lớp ghép...

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Một số chuyên gia cũng cho rằng, cần tính toán cho phép trường mầm non công lập mở dịch vụ trông trẻ ngoài giờ, đáp ứng nhu cầu xã hội, có thể có hợp đồng với giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, nhu cầu gửi trẻ ở nhóm trẻ độc lập có thể tháo gỡ, bảo đảm sự phát triển cho trẻ... 

Đánh giá cao những đóng góp của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non cho rằng: Các ý kiến đã làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần giải quyết trong thời gian tới của giáo dục mầm non, đặc biệt là nhóm trẻ độc lập tư thục. Thực tế, nhu cầu gửi trẻ, đặc biệt là nhóm dưới 36 tháng tuổi rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng còn xa. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát chính sách, xem xét thấu đáo để có các giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhằm tạo điều kiện phát triển toàn diện trẻ em.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giám sát chặt chẽ, hỗ trợ tối đa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO