Giám sát an toàn nợ công như thế nào?

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:13 - Chia sẻ

Ngân sách nhà nước năm nay ước hụt thu 189,2 nghìn tỷ đồng, tức là giảm 12,5%, so với dự toán.

Con số này Bộ trưởng Tài chính báo cáo với Quốc hội hôm khai mạc Kỳ họp thứ Mười và nó hẳn không làm các đại biểu Quốc hội cũng như những người quan tâm tới kinh vĩ mô ngạc nhiên. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và dầu thô chắc chắn không thể đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định. Đáng chú ý, thu ngân sách từ tiền bán cổ phần nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng không được mấy vì tiến độ rất chậm. Kết quả cổ phần hóa đến nay mới chỉ đạt 28% của cả giai đoạn 2017 - 2020.

Thu ngân sách không đạt dự toán là phù hợp với chu kỳ kinh tế, đồng thời là một cơ chế chính sách tự động thuận chu kỳ ở chỗ không đặt thêm gánh nặng lên nền kinh tế đang khó khăn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch. Trong bối cảnh như vậy, cho dù tổng chi ngân sách năm nay dự kiến giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (3,5%) so với dự toán và đạt 1.686,2 nghìn tỷ đồng thì bội chi ngân sách cả năm ước vẫn tăng 1,55% so với dự toán, chiếm 4,99% GDP. Chưa dừng lại ở đó, nhiều khả năng bội chi ngân sách còn tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu đúng như vậy, bội chi năm nay sẽ vượt dự toán khá cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng) và bằng 5,59% GDP, trong khi “trần” Quốc hội đặt ra là 3,44 GDP%.

Diễn biến ngân sách nhắc tới ở trên tuy hợp lý khi đặt trong bối cảnh cụ thể của năm nay nhưng đồng thời là chỉ dấu cảnh báo rằng nợ công đang tiềm ẩn rủi ro. Mặc dù các chỉ tiêu về nợ công ước tính đến cuối năm vẫn nằm trong giới hạn an toàn, tuy nhiên nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cảnh báo Chính phủ hết sức lưu ý điều này bởi đây là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm an toàn tài chính quốc gia.  

Như nhiều nước khác, Quốc hội nước ta đang sử dụng tỷ lệ nợ công/GDP để giám sát an toàn nợ công với mức trần hiện tại là 65%. Tuy nhiên, không ai biết chính xác giới hạn an toàn của tỷ lệ nợ công/GDP là bao nhiêu, bởi con số này chỉ phản ánh một cách hết sức phiến diện mức độ an toàn hay rủi ro của nợ công. Nợ công khoảng 100% đủ để một nước như Hy Lạp rơi vào tình trạng phá sản, trong khi đó nợ công lên tới hơn 200% như Nhật Bản vẫn được coi là an toàn. Do vậy, các nước thường đưa ra một mức trần với tỷ lệ này dựa theo kinh nghiệm và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.

Một điểm quan trọng nữa là Việt Nam sẽ chính thức sử dụng cách tính GDP mới từ năm tới. Khi đó, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm sâu, cách xa trần Quốc hội cho phép. Không loại trừ khả năng tỷ lệ nợ công/GDP thấp sẽ tạo ra cảm giác tình trạng tài khóa đã được cải thiện, từ đó “kích thích” vay mượn, “kích thích” chi tiêu thiếu hiệu quả, đồng thời bỏ qua những cải cách cấp bách cần thực hiện trong lĩnh vực được coi nguồn gốc của mọi bất ổn vĩ mô này.

Trong bối cảnh như vậy, việc tìm kiếm công cụ hữu hiệu hơn để giám sát mức độ an toàn của nợ công càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo đó, Quốc hội cần xem xét, tính tới sử dụng một công cụ khác để giám sát tính an toàn của nợ công trong giai đoạn tới, đó là tỷ lệ nợ công/thu ngân sách. Nếu chỉ dựa duy nhất vào GDP để giám sát, rất có thể tỷ lệ nợ công/GDP tiếp tục giảm nhưng tỷ lệ nợ công/thu ngân sách và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách sẽ tiếp tục tăng, gây rủi ro cho an toàn tài chính quốc gia như Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã cảnh báo.   

Hà Lan