Chưa kiểm soát tốt nước thải sinh hoạt
Theo kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước sông Sài Gòn quan trắc đợt đầu năm 2020 có sự thay đổi rõ rệt từ thượng nguồn tới hạ nguồn. Cụ thể, có 24% giá trị chỉ số chất lượng nước (WQI) đạt mức sử dụng cho cấp nước sinh hoạt; 1,3% giá trị ở mức nước ô nhiễm nặng. Diễn biến chất lượng nước mặt sông Sài Gòn từ năm 2016 - 2020 cũng cho thấy, hàm lượng ô nhiễm hữu cơ (COD và BOD5) không tăng nhiều, tuy nhiên tỷ số BOD5/COD có xu hướng tăng tại hầu hết các điểm quan trắc, chứng tỏ nguồn nước thải sinh hoạt kiểm soát chưa tốt.
Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, báo cáo chất lượng nước sông tại 21 vị trí quan trắc chất lượng nước trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai tại các vị trí lấy nước cấp sinh hoạt đều đạt quy chuẩn sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Chất lượng nước mặt tại các khu vực kênh rạch có các công trình nạo vét, cải tạo, chỉnh trang đô thị như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đôi - Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé… đã có chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, đối với vùng kênh rạch giáp ranh liên tỉnh như Thầy Cai - Cần Giuộc, kênh liên vùng vẫn còn dấu hiệu ô nhiễm, chưa được cải thiện đối với chỉ tiêu DO (oxy hòa tan), chỉ tiêu vi sinh Coliform, TSS (chất rắn lơ lửng).
Để hạn chế tác động ô nhiễm môi trường, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành các hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm. Đến nay, tất cả 37 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để hoặc đã di dời, ngưng hoạt động; trong đó, có 21 cơ sở đã ngưng hoạt động sản xuất, di dời và 16 cơ sở đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm. Đồng thời, nghiên cứu phân vùng chất lượng nước theo chỉ số WQI và đánh giá khả năng sử dụng các nguồn nước sông, kênh, rạch trên địa bàn.
Thành phố cũng triển khai thống kê dữ liệu các nguồn gây ô nhiễm từ nước thải công nghiệp trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và các quận 4, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp… nhằm đánh giá và xác định sơ bộ mức độ ô nhiễm do nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Thành phố đã tổ chức điều tra, thống kê các điểm xả thải trực tiếp ra các kênh, rạch thuộc lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai; lập bản đồ GIS quản lý, giám sát điểm xả thải trực tiếp ra các kênh, rạch thuộc lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai…
Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè |
Nguồn: ITN
Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường
Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, năm 2020, tuy có thể hoàn thành các chỉ tiêu về đầu tư xử lý nước thải công nghiệp và bệnh viện, có chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị di dời các nhà ven kênh rạch hoặc phối hợp tỉnh giáp ranh kiểm soát nguồn thải ra kênh rạch liên tỉnh, nhưng vẫn không thể đạt chỉ tiêu giảm 90% tải lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt do không thể thực hiện được chỉ tiêu 80% nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn.
Nguyên nhân được đưa ra là do sông Sài Gòn chảy qua địa phận một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung rất nhiều cơ sở sản xuất, chăn nuôi, khu công nghiệp; dù các doanh nghiệp sản xuất có quan tâm đầu tư cải tiến quy trình công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý môi trường, song đa phần quy mô nhỏ, vừa ở vừa sản xuất kinh doanh hoặc thuê mướn mặt bằng từ nhà dân để kinh doanh nên khó đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại địa điểm hoạt động. Cùng với đó, dân số TP Hồ Chí Minh đông, lượng nước thải sinh hoạt lớn nhưng chưa được xử lý triệt để, đã gây ô nhiễm nguồn nước.
Để kiểm soát nguồn thải xả thẳng vào nguồn nước mặt, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tiếp tục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương, chương trình điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Tăng cường phổ biến chỉ số WQI trên hệ thống 48 bảng điện tử giao thông; tiếp tục duy trì hệ thống chạy trên nền tảng web bao gồm tất cả thông tin chung và các số liệu của từng vị trí quan trắc.
Đồng thời, rà soát, đề xuất danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Đôn đốc các cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm, hoặc di dời đúng thời hạn. Tiếp tục cập nhật dữ liệu vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu môi trường, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về môi trường.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cộng đồng và doanh nghiệp. Khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh để giảm thiểu chất thải, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.