Đa dạng hóa sinh kế
Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao; cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt.
Từ đầu năm đến tháng 9.2024, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ được tổng số 935 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, với tổng số kinh phí đã thực hiện hỗ trợ là trên 37 tỷ đồng. Thống kê về việc thực hiện các Chương trình, Đề án hỗ trợ nhà ở cũng cho thấy, toàn tỉnh đã hỗ trợ được tổng số 8.657 hộ.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, tỉnh chú trọng hướng dẫn bà con cách thức canh tác, phát triển chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng nguồn vốn một cách tối ưu… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm dần; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,17%, giảm 3,66% so với năm 2022.
Nhờ nguồn lực trong và ngoài nước, tỉnh Sơn La đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho Nhân dân được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Dự án "Cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La thông qua nông nghiệp và cải thiện dinh dưỡng" đang được tích cực triển khai tại 2 huyện Bắc Yên và Sốp Cộp, là hoạt động đem lại hiệu quả tích cực.
Với tổng số vốn hơn 32 tỷ đồng, Dự án hướng tới mục tiêu thu nhập và nguồn cung lương thực trong các hộ gia đình sẽ được cải thiện, thông qua sản xuất nông nghiệp, chú ý đến bình đẳng giới và dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và trẻ em. Sau gần 1 năm triển khai, đã có 1.354 hộ thuộc 6 xã của huyện Bắc Yên và Sốp Cộp được hưởng lợi từ dự án; 100% số phụ nữ có thai được khám, tư vấn và chăm sóc thai nghén tại trạm y tế xã và tại gia đình; 100% bà mẹ được tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ; 100% trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng tháng.
Tại huyện Bắc Yên, các hộ dân tại 17 bản thuộc 3 xã Xím Vàng, Chim Vàn, Làng Chếu, đã được nhân viên y tế bản và cán bộ hội phụ nữ hướng dẫn cách chế biến bữa ăn dinh dưỡng từ các sản phẩm sẵn có của địa phương; cấp giống gà và rau để phát triển sản xuất.
Đến nay, đã có 122 hộ dân có vườn rau dinh dưỡng, 35 hộ dân được cấp 875 con gà giống và bước đầu đã có hiệu quả tốt. Tại huyện biên giới Sốp Cộp, nhiều hộ dân tại 43 bản thuộc 3 xã Mường Và, Púng Bánh và Sam Kha tham gia Dự án. Những hộ này được y tế bản, phụ nữ bản trực tiếp hướng dẫn thực hành bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ.
Phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ
Một trong những khâu đột phá được xác định rõ trong Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21.1.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới. Các giải pháp trong việc cân đối nguồn nhân lực, bảo đảm nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, vị trí việc làm được địa phương ưu tiên thực hiện.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực tại tỉnh Sơn La từng bước được cải thiện và nâng cao; quy mô mạng lưới trường lớp được sắp xếp, củng cố và phát triển; các cơ chế, chính sách được triển khai, thực hiện đồng bộ.
Tính riêng trong năm 2023, tỉnh Sơn La đã đào tạo được gần 20.000 lao động thuộc các cấp đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; chuyển giao khoa học - kỹ thuật công nghệ cho gần 2.900 người; có 7.569 lao động được đào tạo tại khu công nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức thành công ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất và tập huấn "Kiến thức về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo". Đến nay, nguồn nhân lực khoa học công nghệ thuộc các tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh là 1.378 người; trong đó, tiến sĩ có 131 người, thạc sĩ 530 người, đại học 358 người, cao đẳng 58 người và trình độ khác là 298 người...
Đến đầu năm 2024, qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, với mục tiêu đạt 75% vào năm 2030 thì nay, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo của tỉnh Sơn La đạt gần 60%. Trong 9 tháng năm 2024, ngành lao động tỉnh cũng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động, tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động, chính sách tiền lương, cải thiện quan hệ lao động.
Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức 45 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm tại các xã, phường, thị trấn, cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh và Trung đoàn 754; tổ chức 8 ngày hội việc làm tại Mường La, Mộc Châu, Phù Yên, Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên, TP. Sơn La, Trường Cao đẳng Sơn La cho 16.368 lượt người lao động, học sinh, sinh viên tham gia. Đồng thời, đăng thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp lên Website và fanpape Facebook cho 91 doanh nghiệp với 200 hồ sơ tìm việc, thu hút 97.064 lượt người truy cập website và 36.253 lượt người tiếp cận trang Facebook "Dịch vụ việc làm".
Trong 9 tháng, chương trình việc làm đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho 17.947 lao động (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023) đạt 89,73% so với kế hoạch giao năm 2024; trong đó, kết nối thành công cho 190/200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, đạt 95% kế hoạch. Lao động đi làm mới tại các công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã trong tỉnh và ngoài tỉnh là 15.558 người.