Giảm nghèo không phải là bảo trợ, giảm nghèo để phát triển và phát triển để giảm nghèo
Trao đổi với phóng viên Báo ĐBND sau chuyến khảo sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại Lào Cai, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI (PCN) ĐỖ MẠNH HÙNG nhận thấy, nước ta đã xuất hiện xu hướng quan điểm mới về chính sách giảm nghèo: giảm nghèo không phải là bảo trợ. Giảm nghèo là để phát triển và phát triển để tăng nguồìn lực dành cho giảm nghèo. Để cụ thể hóa quan điểm này, bảo đảm giảm nghèo một cách bền vững, cần tổ chức hình thức vận động để người nghèo nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của mình trong vấn đề giảm nghèo. Từ đó hướng dẫn người dân cách thoát nghèo, tránh áp đặt. Chỉ khi nào người dân nhận thức được yêu cầu và giải pháp thoát nghèo của chính mình, thì mới có thể thoát nghèo bền vững. Đó chính là dân chủ trong giảm nghèo.
Giảm nghèo ở nước ta được gắn kết tương đối chặt chẽ với các chương trình phát triển KT - XH
PV: Đoàn khảo sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa kết thúc đợt khảo sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách giảm nghèo tại Lào Cai. Phó chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương này?
PCN Đỗ Mạnh Hùng: Đoàn khảo sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã làm việc tại Lào Cai từ ngày 9.10 đến 11.10.2012. Trong 3 ngày, Đoàn khảo sát đã trực tiếp đến xã biên giới, làm việc với một huyện biên giới, làm việc với UBND TP Lào Cai, làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Lào Cai. Qua khảo sát, trước hết chúng tôi thấy công tác giảm nghèo ở Lào Cai đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai, cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm và đã trở thành nội dung công tác trọng tâm của tỉnh trong những năm qua. Công tác giảm nghèo ở Lào Cai có nhiều ưu điểm như: các chính sách do Nhà nước ban hành đối với vấn đề giảm nghèo cơ bản đến được với đối tượng thụ hưởng chính sách, đặc biệt là chính sách ưu đãi về tín dụng, có thể thấy độ bao phủ và mức cho vay còn cao hơn so với một số tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn. Cụ thể, bình quân mức vay ưu đãi cho hộ nghèo ở Lào Cai là 20 triệu đồng, trong khi bình quân chung của cả nước là 11,8 triệu đồng.
Thứ hai, Lào Cai đã huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện giảm nghèo. Ví như, thực hiện chính sách về nhà ở, trong quy định được ngân sách hỗ trợ 8 triệu đồng, vay ưu đãi 12 triệu đồng. Song thực tế, nhiều địa phương ở Lào Cai được hỗ trợ thêm bằng các nguồn vay khác nên mức vay cho nhà ở cao hơn rất nhiều, bình quân mức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo của thành phố Lào Cai là 50 triệu đồng/hộ, cá biệt một số hộ đã được nhận kinh phí hỗ trợ lên đến 70 triệu đồng/hộ.
Thứ ba, mô hình giảm nghèo của Lào Cai tương đối hiệu quả, gắn với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như tập quán sản xuất, đời sống của bà con người dân tộc. Như mô hình giảm nghèo bằng cách trồng cây thảo quả, nuôi cá hồi, mô hình trồng cây lâm nghiệp... Đây là những mô hình được thực hiện tốt ở Lào Cai, mô hình này cần được tổng kết để nhân ra trên diện rộng.
Thứ tư, trong giảm nghèo, Lào Cai đã chú trọng đến bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường sống. Đối với bảo tồn văn hóa truyền thống, nếu ở nhiều nơi trên cả nước, chương trình nhà ở còn mang tính áp đặt, kinh phí trên 30 - 40 triệu đồng để xây nhà lợp tôn hoặc phibro xi măng, và nhiều người nghèo dù muốn hay không vẫn phải ở. Ngược lại, ở Lào Cai, nhiều địa phương đã có cách làm nhân văn, dựa trên cơ sở truyền thống văn hóa của từng dân tộc mà có sự hỗ trợ phù hợp. Như người Hà Nhì, khi làm nhà ở theo Chính sách 167 của Chính phủ, vẫn có thể làm nhà theo truyền thống dân tộc mình, đó là nhà trình tường dày, lợp lá mùa hè ở rất mát và mùa đông ở rất ấm. Việc bảo tồn môi trường sống thể hiện rõ nét nhất ở việc trồng cây thảo quả, nuôi cá hồi, cây lâm nghiệp. Bởi lẽ, thảo quả muốn sinh trưởng tốt phải có tán rừng che phủ. Như vậy, tuy Lào Cai giảm nghèo nhưng vẫn bảo tồn được môi trường sống của cộng đồng. Đây cũng chính là một trong những khía cạnh của giảm nghèo bền vững.
Thứ năm, giảm nghèo ở nhiều nơi của Lào Cai đã tiếp cận được với giảm nghèo đa chiều. Hướng đi này là hoàn toàn đúng, thể hiện sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền Lào Cai.
Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý của tỉnh miền núi, nơi thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống... nên giảm nghèo ở Lào Cai còn chịu tác động trực tiếp của 3 yếu tố: thiên tai, cơ sở hạ tầng, hạ tầng ở nhiều nơi vẫn còn yếu kém, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều vùng còn khó khăn. Trong số hộ nghèo ở tỉnh vẫn còn trên 53% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Giảm nghèo còn chưa bền vững. Bởi lẽ, chính sách hỗ trợ với hộ cận nghèo còn chưa đủ so với yêu cầu. Bên cạnh đó, do thiên tai, địa bàn chia cắt, nên hộ cận nghèo có thể trở thành nghèo ngay khi gặp biến cố. Việc thực hiện giải ngân một số chương trình còn thấp, có những chương trình mới đạt trên 10%. Một số chính sách cũng chưa bao phủ hết tại Lào Cai mà điển hình như trợ giúp pháp lý cho người nghèo còn chưa đến được với các xã biên giới như ở Bản Vược, huyện Bát Xát...
Qua trao đổi, Đoàn khảo sát đã cùng lãnh đạo tỉnh Lào Cai đánh giá, tìm giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo.
PV: Từ Lào Cai nhìn ra cả nước, Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách giảm nghèo của nước ta?
PCN Đỗ Mạnh Hùng: Giảm nghèo ở Lào Cai là một bộ phận của giảm nghèo cả nước. Hiện giảm nghèo ở nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tốc độ giảm nghèo tốt, cơ bản đạt các chỉ tiêu của QH giao, hàng năm giảm 2% số hộ nghèo trên phạm vi cả nước. Đối với các địa phương thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ – CP của Chính phủ giảm 4% số hộ nghèo. Các mục tiêu này cơ bản đạt được. Nhiều bộ, ngành đã tham gia vào công tác giảm nghèo như Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải... Tiếp tục huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng tham gia vào giảm nghèo. Nước ta đã có ngày 17.10 là Ngày vì người nghèo - ngày vận động quyên góp ủng hộ vì người nghèo. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng có trách nhiệm trong việc tham gia giúp giảm nghèo ở một số vùng địa bàn khó khăn. Một điểm đáng lưu ý, giảm nghèo ở nước ta cũng được gắn kết tương đối chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nước ta cũng đã xuất hiện xu hướng quan điểm mới: giảm nghèo không phải là bảo trợ. Giảm nghèo là để phát triển, và phát triển để tăng nguồìn lực dành cho giảm nghèo. Đây là nhân tố mới trong giảm nghèo.
Nhìn nhận ở những mặt hạn chế, vướng mắc cũng phải thừa nhận giảm nghèo tại nước ta chưa thực sự bền vững, lõi nghèo đang tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách giảm nghèo ở nhiều nơi còn chưa thực sự dân chủ. Việc thực hiện chính sách còn theo tư duy lối mòn là trao thế nào nhận thế đấy. Mà chưa thực sự lắng nghe ý kiến người dân muốn gì, cần gì để giảm nghèo.
Chỉ khi nào người dân nhận thức được yêu cầu và giải pháp thoát nghèo của chính mình, thì mới có thể thoát nghèo bền vững - đây chính là dân chủ trong giảm nghèo
PV: Theo quan điểm của Phó chủ nhiệm, những định hướng, giải pháp nào sẽ giúp nước ta khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo?
PCN Đỗ Mạnh Hùng: Theo tôi, ở phương diện giảm nghèo bền vững, nước ta cần gắn với các nguyên nhân nghèo, để đi vào giải pháp phù hợp. Phải xử lý tốt vấn đề cận nghèo bằng cách đưa chính sách bảo lưu đối với hộ cận nghèo để giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững. Tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực hiện chính sách giảm nghèo, người thực hiện chính sách giảm nghèo cần tôn trọng người nghèo, lắng nghe người nghèo muốn gì, cần gì để thoát nghèo.
Đối với người nghèo, phải tổ chức hình thức vận động để người nghèo nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của mình trong vấn đề giảm nghèo. Từ đó hướng dẫn người dân cách thoát nghèo, tránh áp đặt. Chỉ khi nào người dân nhận thức được yêu cầu và giải pháp thoát nghèo của chính mình, thì mới có thể thoát nghèo bền vững. Đó chính là dân chủ trong giảm nghèo.
PV: Khảo sát tại Lào Cai, Phó chủ nhiệm có nhắc đến quan điểm giảm nghèo đa chiều, dường như quan điểm này còn khá mới, chưa được chú trọng thực hiện trong thời gian qua?
PCN Đỗ Mạnh Hùng: Giảm nghèo đa chiều giai đoạn tới cần quan tâm làm rõ và có giải pháp phù hợp. Giảm nghèo đa chiều có hai vấn đề liên quan đến chuẩn giảm nghèo. Chuẩn giảm nghèo không phải là chuẩn đơn chiều như giai đoạn trước, chỉ tính đến thu nhập, nhu cầu về ăn, ở là chủ yếu mà phải tính đến chuẩn đa chiều; trong đó có ăn mặc, ở, giáo dục, y tế và thông tin. Đây là 5 yếu tố, yêu cầu thiết yếu của con người. Trước đó, nhiều địa phương ở nước ta chưa quan tâm đến giảm nghèo đa chiều; một số địa phương chỉ quan tâm tới ăn, ở, mà chưa tính đến hỗ trợ trong giáo dục, y tế và thông tin.
Nguyên nhân nghèo rất đa dạng: do thiếu kiến thức, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, thiên tai, dịch bệnh, sức khỏe, bệnh tật. Mỗi một nguyên nhân nghèo đều có giải pháp khắc phục khác nhau. Theo Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nước ta cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp giảm nghèo phù hợp với từng nguyên nhân.
PV: Với tiến độ thực hiện chính sách giảm nghèo như hiện nay, theo Phó chủ nhiệm kết quả thực hiện chính sách này sẽ đóng góp như thế nào vào mục tiêu QH đã đề ra là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội?
PCN Đỗ Mạnh Hùng: Tôi có niềm tin nước ta sẽ thực hiện được mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Tôi nhớ ngay từ khi thành lập nước, Bác Hồ đã khẳng định: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đây chính là tư tưởng về an sinh xã hội của Bác. Đến nay, về cơ bản, chính sách an sinh xã hội ở nước ta đã bao phủ được với người nghèo, bảo đảm ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tuy ở một vài địa phương cụ thể chính sách còn chưa bao phủ hết đối tượng nghèo. Song, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (Khóa XI) vừa ban hành, QH, Chính phủ đã có nhiều quyết định về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015, tôi tin tưởng, mục tiêu về an sinh xã hội, trong đó có giảm nghèo sẽ được thực hiện.
- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!