Giảm nghèo bền vững ở Thanh Hóa

Bài cuối: Rõ nguyên nhân để có giải pháp giảm nghèo đến từng hộ

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 08:14 - Chia sẻ
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố và cao gấp 1,25 lần bình quân chung cả nước; hộ nghèo, hộ cận nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội còn nhiều… Thực tế đó đòi hỏi Thanh Hóa phải điều tra xác định rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp giảm nghèo đến từng hộ, từng địa phương; đề cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân.

Loay hoay với chỉ tiêu giảm nghèo

Giảm số hộ nghèo là mục tiêu quan trọng nhưng không hề dễ triển khai trên thực tế. Đơn cử như năm 2019, số hộ nghèo của xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn) còn 29 hộ. Năm 2020, huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cho xã là 22 hộ. Để giảm nghèo từ 29 hộ xuống còn 7 hộ là cả một hành trình không dễ. Bởi, trong số 29 hộ nghèo thì nghèo bảo trợ đã là 11 hộ. Những hộ nghèo bảo trợ thì khó thoát nghèo, thậm chí không thể thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Mai Văn Năm chia sẻ, các hộ nghèo bảo trợ là những người tàn tật, người cao tuổi đơn thân, họ không thể thoát nghèo. Năm 2019, xã cũng đã không hoàn thành chỉ tiêu huyện giao. Hiện, theo rà soát thường xuyên, xã mới giảm được 1 hộ nghèo, ông Năm cho biết. Còn đối với xã Nga Bạch, năm 2019, xã còn 44 hộ nghèo, trong đó nghèo bảo trợ là 26 hộ. Như vậy, số hộ nghèo thường còn 18 hộ, trong khi đó huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cho năm 2020 là 30 hộ. Đến nay, theo rà soát thường xuyên, xã chưa giảm được hộ nào. Theo đại diện lãnh đạo UBND xã, địa phương đang loay hoay không biết thực hiện thế nào.

Cần điều tra để có giải pháp giảm nghèo đến từng hộ, từng địa phương

Tương tự, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Hà Trung hiện có 894 hộ, tỉnh giao giảm 650 hộ. Tuy nhiên khả năng giảm nghèo chỉ đạt 441 hộ, vì 453 hộ còn lại thuộc diện nghèo bảo trợ. Hà Châu là một trong những xã điển hình. Bởi, số hộ nghèo của địa phương đang là 54 hộ, nhưng có 30 hộ thuộc nghèo bảo trợ, 20 hộ nghèo thường. Trong khi đó, huyện Hà Trung giao cho Hà Châu chỉ tiêu giảm nghèo năm 2020 là 34 hộ. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thanh cho biết: Công tác giảm nghèo ở địa phương rất khó khăn. Xã sẽ rà soát số hộ nghèo có khả năng giảm nghèo để tuyên truyền, giúp đỡ, vận động giảm nghèo theo chỉ tiêu đã giao. Hay như tại xã Hà Đông, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Trường: Để hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo là cả một vấn đề.

Hà Trung, Nga Sơn chỉ là hai trong số nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phải loay hoay với chỉ tiêu giảm nghèo. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố và cao gấp 1,25 lần bình quân chung cả nước. Năm 2019, vẫn còn 2 huyện chưa đạt được chỉ tiêu giao, nhiều nơi vẫn còn tỷ lệ nghèo ở mức cao, lên tới hơn 50% - 70%; hơn 95% số hộ nghèo, cận nghèo tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển; còn 4/7 chỉ tiêu tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Hộ nghèo, cận nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội còn nhiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội khó có khả năng thoát nghèo chiếm 19,7% tổng số hộ nghèo.

Giúp đỡ người nghèo tích cực vươn lên

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, yếu tố tâm lý xã hội đang là những lực cản đối với quá trình thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững. Các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Nhà nước chưa phát huy hiệu quả tại địa phương, người dân mất đi cơ hội tiếp cận, thụ hưởng chính sách; dư luận bức xúc trước nhiều vụ, việc gian dối nhằm trục lợi chính sách. Bởi vậy, nhiều nơi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, nhiều năm không giảm hoặc giảm không đáng kể.

Để khắc phục hạn chế, góp phần hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi thấp trên địa bàn tỉnh giảm 1,04%/năm, các huyện nghèo giảm 4,12%/năm; thu nhập bình quân/người/năm của hộ nghèo tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2015; phấn đấu ít nhất 2/6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng khó khăn theo tiêu chí quy định... UBND tỉnh đã đề nghị các huyện miền núi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong lãnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo; đề cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, xóa nghèo của người dân.

Đồng thời, các địa phương cần phát huy vai trò của lực lượng tại cơ sở, nhất là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội... trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động tích cực vươn lên thoát nghèo. Điều tra xác định rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp giảm nghèo đến từng hộ, từng địa phương. Các địa phương tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai. Trong đó, các huyện miền núi cần phát huy lợi thế thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch như tinh bột sắn, tinh dầu quế, ván dăm, bán sợi...; thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào như dệt lụa, dệt thổ cẩm, đan lát, chế biến nông lâm sản.

Diệp Anh - Bách Hợp