Giảm nghèo bền vững ở Thanh Hóa

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:55 - Chia sẻ
Những ngày này, có dịp trở lại Thanh Hóa, chúng tôi cảm nhận đổi thay rõ nét trên những con đường, từng ngôi nhà, các công trình dân sinh. Có được kết quả đó nhờ sự quan tâm, chung tay của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Song, để công tác giảm nghèo đi vào thực chất còn không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của chính quyền, người dân.

Bài 1: Những bước tiến vững chắc

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Hóa giảm bình quân 2,56%/năm, vượt mục tiêu giảm 2,5%/năm và nằm trong nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Kết quả trên cho thấy quyết tâm cao, sự sáng tạo, chủ động của các cấp, ngành, các địa phương và tầng lớp Nhân dân trong công tác giảm nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,56%/năm

Chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình chị Trần Thị Vân, xã Thọ Tân (huyện Triệu Sơn) vào một ngày chớm thu. Đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, chị Vân trải lòng: Năm 2016, khi UBND xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình đã mạnh dạn xây dựng trang trại chăn nuôi gà thả đồi. Từ 500 con gà ban đầu, đến nay, đàn gà của gia đình phát triển lên hơn 6.000 con, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 400 triệu đồng/năm.

Cũng như chị Vân, hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy cũng đã có nhiều gương nông dân vượt khó, mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại đem lại nguồn thu nhập cao. Dẫn chúng tôi mục sở thị vườn cây ăn quả và khu trang trại chăn nuôi của gia đình, chị Nguyễn Thị Phượng (xã Cẩm Tú) tâm sự: Qua thời gian tích lũy kinh nghiệm và tích cực tham gia các buổi tập huấn, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị đã phát triển hiệu quả, cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho 15 lao động, với thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng…

Hay với Thiệu Duy - một trong những xã thuần nông của huyện Thiệu Hóa. Ông Lê Hưng Đơ ở thôn Khánh Hội chia sẻ: Năm 2017, được tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng góp vốn đối ứng bằng việc hỗ trợ một con bò cái sinh sản, gia đình ông còn mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH phát triển chăn nuôi… Ngoài ra, gia đình còn canh tác hơn 3 mẫu ruộng, mua thêm 1 máy cày bừa để làm dịch vụ, cho thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm, không những thoát nghèo bền vững mà còn là hộ có thu nhập khá trong thôn. Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Thủy cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến, thay đổi nhận thức, phát huy được vai trò “tự giảm nghèo bền vững”, “tự an sinh” của các hộ nghèo. Việc thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo của Chính phủ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,46% năm 2015 xuống còn 2,21% năm 2020.

Thực tế những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, công tác xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi Thanh Hóa nói riêng và toàn tỉnh nói chung tiếp tục thu được nhiều kết quả quan trọng... Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Minh Hành, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2,56%/năm, vượt kế hoạch đề ra và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Tính cả giai đoạn 2016 - 2019, Thanh Hóa đã giảm được 96.663 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 32.230 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 10,24% (từ 13,51% xuống 3,27%).

Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả  

Đồng bộ các giải pháp

Bám sát Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 21.10.2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp khu vực miền núi và các sở, ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp. Trong đó, tập trung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo; hỗ trợ cho các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Bên cạnh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đoàn viên, hội viên nghèo thông qua các mô hình phát triển sản xuất; câu lạc bộ phụ nữ thoát nghèo... đã giúp đỡ được nhiều hộ thoát nghèo.

Cùng với các giải pháp trên, nhiều chương trình, dự án, đề án tiếp tục được quan tâm đầu tư, đặc biệt là Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nguồn vốn huy động 1.124.005 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên đã đầu tư xây dựng được 1.206 công trình các loại; duy tu, bảo dưỡng hơn 130 công trình các loại; thực hiện các nội dung về phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo; đào tạo cán bộ, cộng đồng thôn, bản...

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho các địa phương đã tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực miền núi theo hướng sản xuất gắn với thị trường, phát huy thế mạnh ở vùng dân tộc miền núi, giúp đồng bào chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo… Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt; hệ thống kết cấu hạ tầng được tăng cường và củng cố; nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; hệ thống chính trị được củng cố, đội ngũ cán bộ là người dân tộc được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng; an ninh, trật tự được giữ vững, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo…

Diệp Anh - Bách Hợp