Giảm lãi suất nhưng không hạ chuẩn cho vay

- Thứ Tư, 23/09/2020, 06:29 - Chia sẻ
Dịch bệnh khiến cầu tín dụng rất yếu, đến ngày 16.9, tín dụng chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, tiếp sức cho nền kinh tế. Các ngân hàng cũng được yêu cầu đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay để bảo đảm chất lượng tín dụng.

Tiết giảm tối đa chi phí để hạ lãi suất

Tại cuộc họp báo sáng 22.9 về thị trường tiền tệ 9 tháng đầu năm, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt. Đến ngày 15.9.2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Ngân hàng Nhà nước họp báo về thị trường tiền tệ quý III.2020 .
Ảnh: H.Lan

Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm. Đến ngày 16.9.2020, tín dụng chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019, ông Quang cho biết.

Dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngân hàng ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, cầu tín dụng thấp mặc dù các ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, quy mô lớn. Thứ hai, khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ đúng hạn. Dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo ông Tuấn Anh, lên tới 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 25% trên tổng dư nợ toàn hệ thống và tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Cũng theo thông tin từ NHNN, thời gian qua, các ngân hàng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng. Tính đến 14.9, thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số luỹ kế từ 23.1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.

Để tiếp sức cho nền kinh tế, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng cũng được yêu cầu đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay để bảo đảm chất lượng tín dụng và duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống.

Thanh toán qua điện thoại tăng 184%

Đáng chú ý, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động thanh toán những tháng đầu năm vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước cả số lượng và giá trị giao dịch, thể hiện ở giao dịch thanh toán qua thẻ, qua internet và điện thoại di động.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, trong 7 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019; qua Internet tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 184,2% và 186,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, đến cuối tháng 7 có 107,7 triệu thẻ đang lưu hành, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến đến cuối năm 2021, việc chuyển đổi sang thẻ chip đối với toàn bộ thẻ nội địa sẽ được hoàn tất nhằm tăng độ an toàn và tăng thêm tiện ích sử dụng thẻ.

Bên cạnh đó, các chính sách miễn giảm phí dịch vụ thanh toán đã được NHNN và các tổ chức tín dụng triển khai kịp thời, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh. Theo đó, khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua Napas được miễn hoặc giảm phí. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Cũng theo ông Sơn, từ nay tới cuối năm, NHNN sẽ tập trung hoàn thành Nghị định thay thế các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và hoàn thiện đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Hà Lan