PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG PHIM HOẠT HÌNH VIỆT NAM

Giảm khác biệt, hướng tới khán giả toàn cầu

- Thứ Ba, 18/08/2015, 08:25 - Chia sẻ
Trao đổi bên lề Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam - Hàn Quốc 2015, ông Kim Jong Gon, đại diện Viện Phát triển Văn hóa Thông tin Gangwon (GIMC) cho rằng, Việt Nam cần có hướng đi mới để nhanh chóng khai phá tiềm năng phim hoạt hình, trong đó giảm bớt khác biệt văn hóa để xây dựng những nhân vật, bộ phim có tính toàn cầu.

Chính phủ có chính sách hỗ trợ

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển phim hoạt hình Việt Nam?

- Tôi thấy thị trường phim hoạt hình Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Trẻ em Việt Nam xem rất nhiều phim hoạt hình và chắc chắn trong tương lai, nhu cầu xem phim hoạt hình của đối tượng này còn lớn hơn nữa. Bên cạnh đó, thông qua cuộc thi làm phim hoạt hình ngắn có thể thấy tâm huyết cũng như sự đam mê của những người làm phim hoạt hình Việt Nam rất lớn. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm hỗ trợ xây dựng những bộ phim hoạt hình nhằm giáo dục trẻ em. Đó là môi trường thuận lợi để hoạt hình Việt Nam phát triển. Đã đến lúc Việt Nam cần có hướng đi mới để nhanh chóng khai phá hết tiềm năng đó.

- Theo ông, hướng đi đó cụ thể như thế nào?

- Thực tế cho cho thấy, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều công ty cũng như nhiều cá nhân đang tham gia làm phim hoạt hình nhưng họ không thể tự phát triển để kinh doanh phim hoạt hình. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ, đặc biệt là các tổ chức văn hóa, về kinh phí sản xuất, công nghệ, kỹ thuật cũng như xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hợp tác sản xuất, quảng bá. Việt Nam có thể tổ chức các cuộc thi nhằm thúc đẩy quá trình sáng tạo phim và thu hút công chúng đến với phim hoạt hình.

Hợp tác sản xuất với nước ngoài

- Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất phim hoạt hình, các chuyên gia Hàn Quốc nhấn mạnh, Việt Nam nên đẩy mạnh hợp tác với các hãng phim nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc…

- Có thể nhận thấy thị trường phim hoạt hình Việt Nam phát triển chưa chuyên nghiệp. Trong khi đó, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản và cả Hàn Quốc chúng tôi đều thuộc các quốc gia có nền công nghiệp phim hoạt hình phát triển hàng đầu với ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao. Sự hợp tác sẽ giúp Việt Nam học hỏi được kinh nghiệm, công nghệ làm phim hoạt hình. Đồng thời, Việt Nam có thể tận dụng quá trình hợp tác để quảng bá phim hoạt hình ra thế giới; từ đó thúc đẩy sự phát triển của phim hoạt hình Việt Nam.

- Theo ông, hạn chế lớn nhất của phim hoạt hình Việt Nam hiện nay là gì?

- Như chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất Bánh mì mây - bộ phim nổi tiếng hơn 10 năm qua với 14 giải thưởng trong nước và quốc tế, với hơn 500 sản phẩm có biểu tượng nhân vật trong phim. Với bộ phim này, chúng tôi đã tiến hành điều tra kỹ lưỡng trước khi bắt tay sản xuất; từ đó quyết định xây dựng bộ phim hướng đến lứa tuổi chưa bận với công việc học tập ở trường, chọn thời gian tối đa 7 phút/tập phim, do nghiên cứu cho thấy trẻ em có khả năng tập trung nhất trong khoảng thời gian này… Làm như vậy đã góp phần rất lớn tạo thành công cho bộ phim. Tuy nhiên, ở Việt Nam hầu như chưa có sự điều tra kỹ trước khi làm phim. Cả ba tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi làm phim hoạt hình ngắn lần này cũng vậy, tôi được biết trước xây dựng kịch bản, các tác giả đều không tìm hiểu, nghiên cứu đối tượng người xem. Đó là hạn chế lớn nhất trong sản xuất phim hoạt hình của Việt Nam. Ngoài ra, bên cạnh năng khiếu sáng tạo nhân vật phim hoạt hình, chúng ta cũng phải bảo vệ nhân vật. Tôi thấy Việt Nam chưa trang bị bản quyền khi xây dựng các nhân vật hoạt hình.

Hướng tới khán giả quốc tế

- Tại hội thảo trong khuôn khổ Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam - Hàn Quốc năm 2015, ông nhấn mạnh phim hoạt hình Việt Nam cần hướng tới thị trường quốc tế?

- Đúng vậy, phim hoạt hình Việt Nam vẫn thiếu định hướng nhằm vào thị trường toàn cầu, tức là chỉ mới khoanh vùng phục vụ đối tượng trong nước. Ngay cả thị trường tiềm năng rất lớn là các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines… thì Việt Nam vẫn chưa khai thác. Trong tương lai, Việt Nam cần mở rộng thị trường đến các quốc gia này và nhiều nước khác nữa.

- Theo ông, làm cách nào để phim hoạt hình Việt Nam vừa chinh phục được khán giả quốc tế, vừa giữ được bản sắc?

- Có rất nhiều cách để chúng ta vừa bảo tồn được bản sắc của dân tộc mình, vừa hướng bộ phim ra nước ngoài. Kinh nghiệm của chúng tôi là nếu xây dựng nhân vật hoạt hình mang đặc trưng văn hóa quốc gia quá rõ rệt thì sẽ ảnh hưởng đến tính toàn cầu của bộ phim. Do đó, phải lưu ý để xuất khẩu bộ phim ra toàn thế giới thì cần giảm bớt khác biệt văn hóa. Ví dụ, chúng ta nên lựa chọn nhân vật là loài vật nhân cách hóa để tránh sự phức tạp về quốc tịch khi trình chiếu ở nước ngoài, nhưng chọn nhân vật mà chỉ quốc gia mình mới có hoặc trên trang phục, trong cách vẽ nhân vật có thể đưa những chi tiết mang tính biểu tượng quốc gia...

- Xin cảm ơn ông!

Lê Thư thực hiện