Kích cầu, phát triển du lịch Vĩnh Phúc

Giảm giá, tăng dịch vụ tiện ích

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 08:43 - Chia sẻ
Vĩnh Phúc vừa tổ chức hội nghị tìm giải pháp kích cầu, phát triển du lịch hậu Covid-19. Theo đề xuất của các doanh nghiệp lữ hành, trước mắt tỉnh cần có kế hoạch miễn, giảm giá dịch vụ tại các điểm du lịch nhưng phải bảo đảm giữ vững chất lượng, đồng thời gia tăng dịch vụ tiện ích vào sản phẩm du lịch.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Là nơi hội tụ ba vùng sinh thái miền núi, trung du và đồng bằng, Vĩnh Phúc có cảnh quan hấp dẫn với dãy Tam Đảo, hồ Đại Lải, đầm Vạc, Vườn Quốc gia Tam Đảo... cùng nhiều di tích, lịch sử đặc sắc như danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, di chỉ Đồng Đậu… và các giá trị văn hóa, lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống.

Với những lợi thế như vậy, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chính quyền Vĩnh Phúc đã chủ động dành quỹ đất cho các dự án, chủ trương cải thiện chính sách và thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhằm khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 17 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 9.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương nhằm tạo dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách.

So với các tỉnh trong vùng, du lịch Vĩnh Phúc có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Năm 2018, Vĩnh Phúc đón 5,2 triệu lượt khách, năm 2019 đón 6,1 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2018. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của Vĩnh Phúc hầu hết đã được đầu tư nâng cấp. Trên địa bàn có hơn 400 cơ sở lưu trú, gần 7.500 buồng đạt tiêu chuẩn, trong đó có nhiều khách sạn 4, 5 sao, nhiều khu nghỉ dưỡng hiện đại. Mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch không ngừng hoàn thiện. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang nhận định, du lịch đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân, nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh. Nhằm giải bài toán phục hồi thị trường du lịch nội địa do ảnh hưởng Covid-19, một trong các giải pháp của Vĩnh Phúc là đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, điểm đến, dịch vụ để tạo ra những gói sản phẩm hấp dẫn. 

Tam Đảo - điểm đến được nhiều du khách lựa chọn hậu dịch Covid-19  

Nguồn: ITN 

Chú trọng chất lượng sản phẩm

“Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu nhằm thúc đẩy kinh tế du lịch của tỉnh hồi phục và phát triển bền vững. Tỉnh mong muốn được liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhất là các nhà đầu tư chiến lược; tăng cường quảng bá, phát triển các tour liên kết du lịch; giảm giá sản phẩm, bổ sung dịch vụ tiện ích...”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang

Trên cơ sở định hướng này, mới đây, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Vĩnh Phúc đã tổ chức tọa đàm “Giải pháp kích cầu, phát triển du lịch Vĩnh Phúc năm 2020” với sự tham gia của 40 doanh nghiệp lữ hành thuộc Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và các doanh nghiệp địa phương. Nhiều giải pháp đã được chia sẻ, trong đó trước mắt đề nghị Vĩnh Phúc có kế hoạch miễn, giảm giá dịch vụ tại các điểm du lịch, xây dựng thêm sản phẩm mới với dịch vụ hấp dẫn.

 Theo Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours (HanoiRedtours) Nguyễn Công Hoan, do có vị trí gần Hà Nội và sân bay Nội Bài, Vĩnh Phúc nên định vị lại về sản phẩm du lịch, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE, du lịch golf... “Để cùng lúc khai thác thị trường 70.000 khách Hàn Quốc và khoảng 100.000 người Nhật Bản là các chuyên gia và công nhân kỹ thuật hiện sinh sống tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, tỉnh có thể xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp có điểm nhấn bằng các tour giảm giá và chương trình khuyến mãi rõ ràng chứ không chung chung. Như thế, cần có sự phối hợp của các nhà cung ứng dịch vụ, từ các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các sân golf, hệ thống các điểm tham quan, các hãng vận chuyển... để có được các bộ sản phẩm khác biệt, chất lượng và bảo đảm cho các đối tượng khách”.

Đại diện FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc cũng cho biết, để chương trình kích cầu du lịch Vĩnh Phúc mang lại hiệu quả cao thì việc giảm giá không có nghĩa là làm ảnh hưởng hay thay đổi chất lượng sản phẩm. “Nếu chúng ta cùng ồ ạt giảm giá sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh về giá và cảm giác chúng ta sẽ đi ngược lại chiến lược của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, chất lượng trong mọi dịch vụ tại mỗi điểm đến vẫn cần đưa lên hàng đầu". Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc có thể thu hút khách nội địa bằng cách đẩy mạnh giá trị văn hóa lễ hội. "Không nên giới thiệu tràn lan các điểm đến lễ hội, di sản mà phải chọn những điểm đặc biệt, chú trọng những giá trị cốt lõi”.

Để kích cầu du lịch, các doanh nghiệp đồng tình với việc các điểm đến, khu du lịch của Vĩnh Phúc cần điều chỉnh mức giá phù hợp với người tiêu dùng, đồng thời giữ được chất lượng dịch vụ. Tổng giám đốc Flamingo Đại Lải Resort Lê Thị Vân Anh chia sẻ: “Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta nói nhiều đến việc giảm giá hay đưa dịch vụ tiện ích vào sản phẩm. Tuy nhiên, có lẽ phải kết hợp cả hai giải pháp trên đây để đạt được mục tiêu. Thời điểm hiện tại, để giữ cho gần 1.000 nhân viên của Flamingo làm việc hiệu quả thì yếu tố đầu tiên vẫn là tìm biện pháp giữ chân khách hàng, giảm giá sản phẩm nhưng vẫn giữ vững giá trị thương hiệu”.

Hương Sen