Giảm gánh nặng đầu năm học mới

- Thứ Sáu, 24/09/2021, 06:47 - Chia sẻ
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, ngay từ khi bắt đầu năm học 2021 - 2022, 100% các trường đã duy trì tốt việc dạy và học trực tuyến với tỷ lệ học sinh tham gia đạt 100%. Đặc biệt, mối lo về các khoản thu đầu năm học không còn, giúp phụ huynh yên tâm, tập trung trang bị cho học sinh các điều kiện học tập tốt nhất.

Chưa thu học phí đầu năm

Sáng 23.9, tại Kỳ họp thứ Hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã phát động quyên góp ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Với trách nhiệm, tình cảm, tại kỳ họp, đại biểu HĐND thành phố đã ủng hộ chương trình với tổng số tiền hơn 114 triệu đồng.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân Vũ Đình Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhà trường chưa triển khai thu học phí năm học 2021 - 2022. Hiện nhà trường mới chỉ phổ biến tới 1.900 học sinh về khoản thu bảo hiểm y tế, bởi đây là khoản phải nộp đúng thời gian quy định.  

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường thông tin, nhằm giảm áp lực cho gia đình học sinh, phòng đã chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn không tổ chức những hoạt động giáo dục có thu tiền trong giai đoạn này.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2021 - 2022, với tinh thần giảm 50% học phí cả năm học. Trong thời gian chờ HĐND thành phố ban hành nghị quyết, Sở yêu cầu các trường tạm thời chưa thu học phí, tổ chức dạy học hợp lý, bảo đảm chất lượng và tiết giảm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục không cần thiết.

Ngành Giáo dục thành phố Hà Nội nỗ lực đảm bảo chất lượng dạy và học hỗ trợ đối với các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Nguồn: ITN 

Chung tay chia sẻ khó khăn

Theo giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: “Sở đã yêu cầu các trường ngoài công lập xác định mức thu học phí hợp lý, trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa nhà trường, gia đình học sinh, có chính sách giảm mức thu phù hợp và giãn thời gian đóng học phí”.

Về vấn đề tổ chức thu tiền của các nhà trường, cả công lập và dân lập, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định, các nhà trường cần huy động các nguồn lực để có các chính sách hỗ trợ thêm cho học sinh. Tuyệt đối không được lạm thu, không để xảy ra tình trạng học sinh phải bỏ học vì gia đình khó khăn, không có tiền đóng góp.

Địa bàn quận Hà Đông có 137 trường học với 30% là trường ngoài công lập. Trao đổi với phóng viên, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông thông tin về chủ trương chia sẻ khó khăn với gia đình học sinh khi bắt đầu năm học mới. Phòng đã yêu cầu các trường ngoài công lập không được tăng học phí, chia sẻ gánh nặng với gia đình học sinh. Theo dự kiến, các trường ngoài công lập đều đã có chủ trương giảm học phí ít nhất 30% so với năm học trước.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) Đàm Tiến Nam cho biết, nhà trường áp dụng mức học phí học trực tuyến đối với học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 bằng 80% mức học phí học trực tiếp. Đồng thời hỗ trợ 130 học sinh là con các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc công khai các khoản thu được thực hiện theo quy định, phụ huynh có thể đóng học phí theo từng tháng…

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2021 - 2022 với mục tiêu quan trọng không để bất cứ học sinh nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường. Cùng với đó, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ thông tin, phòng đã tổ chức trao tặng máy tính bảng hỗ trợ học tập trực tuyến cho 10 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Các em chủ yếu là học sinh lớp 8 và 9, hoàn cảnh gia đình mồ côi cha, mẹ, bố mẹ ốm đau bệnh tật… không có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.

Tính đến ngày 16.9, theo thông tin từ Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, chương trình “Máy tính cho em” đã quyên góp được 6.100 thiết bị và đang được lan tỏa, hỗ trợ kịp thời cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cấp 40.000 tài khoản cho giáo viên để phục vụ dạy học trực tuyến miễn phí, không giới hạn; giới thiệu thêm một số phần mềm dạy học hữu ích để các nhà trường lựa chọn sử dụng cho phù hợp, hiệu quả. 

Anh Lương